Quốc tế đánh giá cao sự hồi phục kinh tế của Việt Nam

Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao sự phục hồi nhanh sau dịch COVID-19.

Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19, vươn lên ngang với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italy. Đây là kết quả vừa được trang Nikkei Asian Review công bố, sau khi đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng quản lý dịch bệnh, triển khai vaccine và mức độ tự do trong di chuyển.

Xếp hạng càng cao thì quốc gia, vùng lãnh thổ đó càng tăng khả năng phục hồi, cũng như có tỷ lệ nhiễm bệnh, tử vong thấp, bao phủ tiêm chủng tốt và ít hạn chế trong di chuyển hơn. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực và quyết tâm trong chính sách chống dịch đi đúng hưởng, từ đó tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội, mang lại nhiều kết quả rõ nét.

Từ mức tăng trưởng âm 2 con số ở quý III và IV năm ngoái thì quý I/2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh đã tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tiếp đà, bước sang tháng thứ 4, kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với chỉ số công nghiệp ước tăng 9,7% so với cùng kỳ, lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động bình thường và đang tập trung tăng tốc để đáp ứng các đơn hàng lớn.

1-33-4-1633212439792-7c28a-1652172496.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao sự phục hồi nhanh sau COVID-19. Ảnh minh họa - Nguồn Bộ Công thương

Theo trang tin HK01 ở Hong Kong (Trung Quốc), dù phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng từ cuối năm 2021, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, thương mại xuất khẩu đạt kết quả vượt bậc.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, mặc dù dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng.

Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là 34,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trang China Business News cũng cho biết trong quý I/2022, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vượt 27,3 tỷ USD, gần bằng mức xuất khẩu của nửa năm 2021 (cả năm là 57,54 tỷ USD).

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã cho thấy những kết quả rất tích cực, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch thương mại Trung - Việt năm 2021 lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%. Thặng dư của Trung Quốc với Việt Nam là khoảng 45 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong 10 năm qua, sự phát triển của Việt Nam không ảnh hưởng đến việc làm, xuất khẩu và ngoại thương của Trung Quốc. Việt Nam đã tái cấu trúc chuỗi ngành nghề, điều này thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển. Việt Nam nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thô hoặc linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp và xuất khẩu.

Vừa qua, Nikkei Asian Review công bố kết quả về Chỉ số phục hồi COVID-19 cũng trùng khớp với nhiều nhận định được các trang báo quốc tế uy tín phân tích, một lần nữa tái khẳng định nền kinh tế được giữ vững và duy trì đà tăng trưởng là kết quả của một quá trình kiểm soát tốt đại dịch của Việt Nam.

Trang Bloomberg và Vietjo đều đưa tin "Việt Nam ghi nhận ngày đầu tiên không ca tử vong do COVID-19" hay "Việt Nam tạm dừng khai báo y tế nội địa" là bài viết vừa đăng tải trên trang Nationthailand. Bài viết nhận định, việc tạm thời bãi bỏ yêu cầu này là động thái mới nhất trong nỗ lực chung sống với COVID-19. Có được kết quả trên là do Việt Nam đã chủ động chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Ông Torben Minko - Hiệp hội Doanh nghiệp Đức GBA tại Việt Nam cho hay: "TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, thậm chí cao hơn các nước phương Tây. Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tốt trong việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với một số thị trường lớn. Đây là một bước đi tích cực cho sự trở lại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài".

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thường niên Việt Nam 2022 (VBF) mới diễn ra mới đây, nhiều đại diện các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã cùng nhau đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện hơn vào các giải pháp và chính sách phục hồi của Việt Nam sau khi chịu thiệt hại to lớn vì đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Inoue Soichi đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam dưới sự chỉ đạo vững vàng và những cam kết quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ông Inoue Soichi đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống linh hoạt để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thuận lợi nguồn vốn trung và dài hạn từ nước ngoài; phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường chuỗi cung ứng, thiết lập hệ thống tài chính kịp thời. Bên cạnh đó, cần có các chính sách nhằm hiện thực hóa môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi và tạo điều kiện để chuyển đổi số là chìa khóa đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, đại diện Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) Nitin Kapoor chúc mừng Chính phủ Việt Nam với các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội kịp thời, sớm đưa đất nước quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Ông Nitin Kapoor khuyến khích Việt Nam cần mở cửa trở lại an toàn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển, đồng thời khẳng định sự đồng hành của BritCham cũng như cộng đồng doanh nghiệp Anh Quốc cùng Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường, đóng góp vào sự tăng trưởng mới của đất nước.

"Theo những điều tra khảo sát của Jetro, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ. Đại dịch COVID-19 cho thấy chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những lựa chọn sáng giá cho việc đa dạng hóa. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình", ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết.

Cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất thì việc hàn gắn những đứt gãy trong di chuyển, mở cửa du lịch cũng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau dịch bệnh. Cũng nhờ vậy, "mức độ tự do trong việc di chuyển" là 1 trong 3 yếu tố được trang Nikkei đánh giá cao Việt Nam khi xếp hạng.

Theo các chuyên gia, với những nỗ lực phục hồi hiện nay không chỉ tạo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những quý tiếp theo của năm 2022 mà còn tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Vân Anh (t/h)