Hai phụ nữ tài danh phủ xanh 600 ha đồi núi bằng cây ăn quả

Một ngày đầu xuân, tôi được cùng đoàn cán bộ Tập đoàn Hồ Gươm do nữ Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty dẫn đầu, đi khảo sát và trao đổi kinh nghiệm với cán bộ nông trường Hoàng Lan, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tôi khá hồi hộp bởi lần này, tôi sẽ được gặp mặt nữ tướng rừng xanh vùng biên cương Nguyễn Thị Nga.
1-1649386031.jpg
Hai phụ nữ tài danh Ninh Thị Ty (phải) và Nguyễn Thị Nga (trái)

Tôi tìm hiểu về vị nữ tướng rừng xanh chưa từng gặp mặt trước đây thì được biết chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1965) có biệt danh Nga Tây do vẻ ngoài xinh đẹp, lại cao lớn. Chị từng gây dựng vốn bằng nhập khẩu trái cây từ thập niên 90, sau đó nhờ thắng lớn nên đã thành lập Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan do chị làm giám đốc vào năm 2005 với tổng số vốn điều lệ lên đến 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, kinh doanh xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, hải sản và giống cây trồng…

Nếu lên Lào Cai, hỏi đến “Nữ hoàng chuối” Nguyễn Thị Nga thì dường như ai cũng biết. Chị Nga được đặt biệt danh này là vì những năm qua đã cung ứng và xuất khẩu chuối với vùng trồng chuối hơn 600 ha tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai), sản lượng thu hoạch khoảng 150 - 200 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, tổng thu khoảng 200 tỷ đồng/năm. Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan còn nổi tiếng với vườn chuối công nghệ cao, liên kết với người dân biến những quả đồi khô cằn thành vùng trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế tuyệt vời, tạo việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên tại nông trường.

2-1649386132.jpg
Chị Nguyễn Thị Nga đang chỉ dẫn đoàn thăm khu vực trồng dứa

Vào tháng 7/2021, khi chị Nga đang dần chuyển hướng cây trồng, thu gọn diện tích trồng chuối, mở sang hướng mới là trồng bưởi da xanh, thì chị gặp được nữ Anh hùng lao động Ninh Thị Ty. Chị Ty từng được mệnh danh là “Người đàn bà thép” của ngành Dệt May Việt Nam, khi không chỉ đột phá trong việc tiên phong đi tìm thị trường xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ và Tây Âu khi khối Đông Âu – thị trường truyền thống của Dệt May Việt Nam sụp đổ, mà còn dấn thân trong việc mở ra ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Chị Ty cũng thành công lớn khi vực dậy May Chiến Thắng khi doanh nghiệp này trên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất.

Những năm gần đây, chị cũng được đặt biệt danh là Ty tía tô khi xây dựng trang trại tía tô tại Bắc Ninh, chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản. Chị cũng táo bạo đầu tư 900 ha ở tỉnh Thanh Hóa để trồng cây ăn quả xuất khẩu Nhật Bản. Hai người phụ nữ tài giỏi lừng danh này đã nhìn thấy ở nhau những năng lực đặc biệt nên đã nhanh chóng đi đến thống nhất kết hợp với nhau để cùng phát triển nông trường Hoàng Lan tại Lào Cai. Chị Ninh Thị Ty với thế mạnh quan hệ quốc tế, dày dạn trong thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho nông trường Hoàng Lan chuyển đổi giống cây trồng, đưa kỹ thuật mới vào áp dụng trong chế biến sản phẩm, và mở ra thị trường xuất khẩu mới, tăng giá trị cho sản phẩm của nông trường.

Trong năm 2022, nông trường Hoàng Lan sẽ đầu tư trồng thêm các giống dứa, xoài. Năm nay bưởi da xanh hứa hẹn sẽ cho vụ mùa đầu tiên, có sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu. Vào năm ngoái, vườn bưởi đã bói quả, thu hoạch vài chục tấn, quả bưởi to, da bóng đẹp, tép bưởi có chất lượng tốt. Nông trường Hoàng Lan hiện là nơi trồng giống bưởi da xanh lớn nhất trong cả nước với hơn 100 ha. Mỗi quả bưởi da xanh có cân nặng từ 2,5-3kg, với giá thị trường trong nước là 35.000đ/kg.

6-1649386132.jpg
Bưởi da xanh đang kỳ trổ hoa

Những con xe hai cầu đi lượn vòng vèo lên cao bám theo triền núi. Chúng tôi phóng tầm mắt nhìn về những ngọn đồi, núi với kiểu canh tác bậc thang tạo thành những viền xanh nâu lượn theo hình xoáy ốc kéo từ chân đến đỉnh núi thật đẹp mắt. Có cả triệu mầm dứa non chạy từ chân lên đỉnh núi, đang được vun trồng, bón phân, tỉa cỏ. Thấp thoáng giữa vạt xanh non của dứa, của lùm xùm cây bưởi da xanh là những dãy nhà thấp kéo dài dành cho công nhân nông trường.

Khi chạy xe tới một khúc quanh bám sườn dốc, chúng tôi bắt gặp nhóm công nhân đang làm cỏ cho dứa. Họ vừa làm cỏ, vừa dịch chuyển chầm chậm từ chân núi lên cao. Khi hỏi, chúng tôi được biết những công nhân ở nông trường Hoàng Lan đều là người bản địa, dân tộc Tày, Sán Dìu, H’Mông, Dao, Giáy, Nùng… Mức lương tháng của họ là 6 triệu đồng/người. Trước kia, những người này thường vượt biên sang bên kia biên giới làm việc tự do, sáng đi tối về. Khi mới được tuyển vào nông trường, họ chưa quen tác phong công nghiệp, cứ vài ngày đi làm lại tự nghỉ chỉ vì những lý do rất “giời ơi” như cần đi chợ, cần hái ngô hay thằng bạn rủ ở nhà uống rượu. Lúc đầu, họ quen việc cứ cuối ngày làm việc là ngồi chờ được trả công. Hoặc chậm một ngày công thôi là chỉ đến ngồi ở văn phòng “biểu tình” đòi tiền công chứ không chịu đi làm việc. Sau một thời gian, được tuyên truyền đầy đủ, được huấn luyện kỹ năng, thay đổi nếp nghĩ, được nông trường quan tâm chăm sóc bữa ăn, nơi ở chu đáo… nên những người công nhân đã làm quen dần với nếp làm việc mới, đi làm đầy đủ và biết kiên nhẫn đợi đủ tháng mới lĩnh lương.

Có lẽ phút giây sung sướng nhất của đoàn chúng tôi là được chị Nguyễn Thị Nga dẫn tới khu vực trồng bưởi da xanh. Một vùng đồi núi bạt ngàn cây bưởi tươi tốt, đang kỳ trổ hoa mùa xuân. Những chùm bông bưởi trắng xóa xen lẫn nhị vàng lấp ló giữa những tán lá xanh non trông thật đẹp mắt. Và đặc biệt là chúng tôi mê mẩn khi bước vào không gian được ướp trong hương bưởi thơm ngạt ngào. Ai nấy hít hà cho căng lồng ngực hương thơm quý báu đó mà trời đất ban cho. Ai cũng ước giá như có lọ nước hoa hương bưởi mà xài thì tuyệt vời biết bao. Có những cây bưởi phủ kín hoa từ gốc tới ngọn.

Anh Lâm, người quản lý đội chăm sóc khu vực trồng bưởi, cho biết, những cây bưởi nhiều hoa như vậy là cây cằn, quả sẽ không chất lượng, cần được tỉa bớt hoa. Đoàn chúng tôi mỗi người được phép ngắt vài chùm hoa bưởi mang về cúng Ngày Rằm tháng Giêng. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ giữa núi đồi mênh mông phủ sương trắng mờ, giữa những cây bưởi da xanh lúc chìm trong sương, lúc ngời xanh trong nắng, chẳng mấy chốc sẽ lúc lỉu những quả là quả. Và bưởi vùng đất Bảo Thắng này chắc hẳn rồi sẽ được xuất khẩu đi Mỹ, mang lại niềm tự hào cho người nông dân Việt Nam, đãi người tiêu dùng quốc tế một hương vị ngọt ngào thanh khiết đặc sắc, chắt lọc từ miền đất đồi núi trù phú phía Bắc Tổ quốc, từ những đôi bàn tay chân chất của người công nhân mới thuộc các dân tộc thiểu số nơi đây, từ tâm huyết và tầm nhìn của những nữ doanh nhân tài danh này./.

Kiều Bích Hậu