Từ cây xóa đói, giảm nghèo
Đã từ lâu, nhiều người biết đến xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ bởi có đặc sản là quả bưởi Phúc Trạch mà còn là thủ phủ của gió trầm (Dó bầu). Từ xa xưa, quan niệm dân gian cho rằng sử dụng sản phẩm từ trầm hương của cây gió trầm có ý nghĩa mang lại may mắn, sự thuận lợi trong làm ăn kinh doanh, sức khỏe dồi dào và gia đạo bình an. Trước đây, để có trầm hương bắt buộc người dân phải băng rừng, lội suối vào rừng sâu để tìm trầm. Nhưng vài chục năm trở lại đây, người dân đầu tư trồng cây gió trầm và tự cấy ra trầm nhân tạo. Từ đó, nghề chế tác các sản phẩm từ trầm ở xã Phúc Trạch nói riêng và huyện Hương Khê nói chung được hình thành và phát triển.
Nắm bắt được giá trị và nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều năm gần đây nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gió trầm ở xã Phúc Trạch đã nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư máy móc sản xuất đa dạng các sản phẩm từ trầm hương đã làm tăng giá trị kinh tế ở địa phương.
Trước đây, cây gió trầm đã được người dân trồng trong vườn, nhưng chưa thực sự khai thác hết giá trị của cây bản địa này. Sau những năm 1980 của thế kỷ trước, bỗng có nhiều người ở miền trong như: Huế, Đà Nẵng… tìm đến đây thu mua. Dó trầm trở nên có giá trị cao. Phong trào trồng gió ở Hà Tĩnh và nghề xoi trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó mà thành.
Với người dân nơi đây, họ vừa bán cây gió trầm, vừa chế biến các sản phẩm từ cây gió trầm, bán hạt giống và cây giống. Do đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả và giàu có.
Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Thức Chính - Hợp tác xã Hương Trầm Hiền Linh (thôn 4, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) cho biết: Cơ sở của chúng tôi sản xuất các sản phẩm từ trầm hương, trong đó chủ yếu nhất vẫn là sảm phẩm hương thơm. Hàng năm sản xuất và tiêu thụ 50 nghìn thẻ hương (2 tấn sản phẩm), doanh thu trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Với đa dạng chủng loại phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, các sản phẩm được làm từ cây gió trầm tại các cơ sở sản xuất Hương Trầm ở xã Phúc Trạch đều đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như người trực tiếp sản xuất trầm hương. Từ lâu, các sản phẩm từ trầm hương được xem là dược liệu quý có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, có mùi thơm rất đặc biệt. Hương trầm có mùi thơm dịu ngọt; khi đốt, giúp ổn định trạng thái tinh thần, hỗ trợ chữa một số bệnh và xua đuổi côn trùng… nên các sản phẩm từ trầm hương luôn được khách tìm mua để sử dụng. Các cơ sở sản xuất luôn trong tình trạng cháy hàng, đặc biệt là trong các dịp lễ tết. Cũng nhờ vậy mà giá trị kinh tế của cây gió trầm ngày càng được nâng cao.
Trở thành sản phẩm OCOP
Hiện nay, đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Hương Trầm Đinh Gia; Vòng Trầm Phúc Vinh; Trầm Hương Phúc Vinh; Hương Trầm Hiền Linh; Hương Trầm Khánh Duy và Hương Trầm cao cấp Thọ Nga.
Anh Nguyễn Chí Thành - Cơ sở Hương Trầm Đinh Gia, xã Phúc Trạch chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn hướng đến sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, bảo vệ sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Sử dụng trầm và các phụ gia từ thảo mộc cộng với bí quyết gia truyền của gia đình để lại để làm nên sản phẩm hương trầm được khách hàng tin dùng và yên tâm sử dụng.
Các sản phẩm trầm hương thường được chế tác từ những cây gió trầm trên 10 năm tuổi. Với bàn tay khéo léo, tỷ mỉ những người thợ đã kỳ công đục, xoi, xổ loại bỏ phần gỗ chỉ để lại phần trầm.
Theo các chủ chuyên sản xuất trầm hương, thường 1 tấn cây gió mới thu được khoảng 20 kg trầm. Một người thợ một tháng chỉ làm được khoảng vài kg trầm. Dẫu công việc đòi hỏi sự kỳ công, tỷ mẩn, nhưng đã giúp người lao động ở địa phương thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng; mỗi cơ sở tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho từ 4 - 7 lao động.
Theo tìm hiểu, riêng tại xã Phúc Trạch hiện có 6 cơ sở sản xuất, chế tác trầm hương thành các sản phẩm hàng hóa, gồm: hương, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ. Trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 2 hộ gia đình.
Bà Phạm Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch khẳng định: Cây gió trầm được trồng phân bố ở các xã thuộc huyện Hương Khê, cây gió trầm cho trầm tự nhiên và nhân tạo. Tuy nhiên, cây gió trầm được trồng ở xã Phúc Trạch có tỷ lệ trầm tự nhiên cao hơn ở các vùng khác nên giá trị kinh tế cũng cao hơn nhiều so với trồng ở các vùng khác trong huyện. Vì vậy, 100% hộ dân ở đây đều trồng cây gió trầm, với trên 1.700 hộ dân trồng trên 350 ha, nhờ đó đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2022 đạt 56,4 triệu đồng. Năm 2023, dự kiến sẽ đạt thu nhập bình quân 58,1 triệu đồng/người. Và phát triển những sản phẩm từ cây gió trầm sẽ là những hàng hóa giá trị phục vụ cho du khách trong lộ trình phát triển du lịch của địa phương.
Với sự năng động, sáng tạo của người dân trên địa bàn xã đã phát huy giá trị của cây gió trầm - cây trồng bản địa, một loại dược liệu quý, được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Giờ đây, các sản phẩm được làm từ cây gió trầm của các mô hình ở xã Phúc Trạch đã vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong nước và cả nước ngoài.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, tổng diện tích trồng cây gió trầm trên địa bàn huyện là 565 ha; trong đó, trồng tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch; số còn lại phân bố rải rác ở các xã: Hương Trạch, Hương Trà, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Xuân, Lộc Yên, Thị Trấn, Gia Phố, Phú Gia, Hương Bình, Phúc Đồng, Hòa Hải, Hương Long.
Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan làm việc với các cơ quan chuyên môn để đánh giá chất lượng, hiệu quả cây gió trầm như: Năm 2018, làm việc trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu “xác định thành phần loài dó bầu có khả năng tạo trầm hương chất lượng cao tại Việt Nam”; năm 2020 làm việc với hội trầm hương Hàn Quốc IFA, hội trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây gió trầm tại xã Phúc Trạch.
Kết quả đã bước đầu xác định chất lượng cây dó bầu (tên gọi khác của cây gió trầm) và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, "thuộc tốp đầu thế giới".
Hiện nay, người dân nơi đây chủ yếu đang trồng bán cả cây và gia công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu trầm, làm hương trầm, nụ trầm…mỗi năm doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng gần 100 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 5 cơ sở sản xuất các sản phẩm gió trầm đạt chuẩn OCOP, nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng và ưa chuộng./.