Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đắk Lắk đặt ra mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 131 triệu đồng. Kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 11% và tỷ trọng kinh tế số đạt 20%. Hàng năm, tỉnh hướng tới việc giảm 1,5%-2% hộ nghèo đa chiều và 3%-4% hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song đó, tỉnh cũng xác định rõ việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội không tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa; tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh… là các yếu tố được đề cao.
Đắk Lắk sở hữu những tiềm năng về năng lượng xanh như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, cùng với các điều kiện tự nhiên đặc thù. Địa phương hoàn toàn có thể tận dụng các ưu đãi tự nhiên để phát triển một nền kinh tế xanh và tuần hoàn. Lợi thế này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị và tạo ra một môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư và tạo ra việc làm cho dân cư trong vùng.
Trong lĩnh vực du lịch, Đắk Lắk là nơi sở hữu nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp và nguyên sơ của vùng Tây Nguyên. Nơi đây được xem là địa phương giàu tiềm năng khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với văn hóa địa phương và bản sắc dân tộc. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng rõ nét cho sự phát triển dồi dào của một thương hiệu du lịch dựa trên nền tảng nông nghiệp và lâm nghiệp, làm nổi bật sức hút của địa phương.
Đến năm 2050, Đắk Lắk được định hướng trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái bản sắc - kết nối sáng tạo” và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước.. Đây sẽ là điểm đến yêu thích, nơi đáng sống, có môi trường an ninh, an toàn và có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh - tuần hoàn
Đắk Lắk đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp hạ tầng giao thông. Đặc biệt, kết nối giao thông trong vùng với các tỉnh lân cận và quốc gia là yếu tố then chốt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại, công nghiệp và du lịch vùng.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được đề xuất nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, du khách cũng như mở ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp như du lịch, logistics và nông nghiệp.
Bên cạnh việc đề xuất nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thì tiến độ thi công của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng là một trong những điểm sáng trong nỗ lực nâng cao hạ tầng giao thông của Đắk Lắk. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, với mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng, và đã được chia làm ba dự án thành phần.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với tỷ lệ 98%, và tiến độ thi công được đảm bảo. Điều đó cho thấy sự quyết tâm cao của tỉnh Đắk Lắk việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Đắk Lắk đang hoàn thiện các cơ chế chính sách đột phá, cải cách hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Đảng bộ, chính quyền và người dân kỳ vọng Đắk Lắk sẽ khai thác hiệu quả các nguồn lực để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong tương lai không xa./.