Những con số ấn tượng của Đắk Lắk, vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên
Trong 3 năm 2021-2023, giá trị tổng sản phẩm (GRDP giá SS 2010) của Đắk Lắk đạt 172.659 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 6,5%/năm; Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2023 tăng 1,72 lần năm 2020 (từ 50.390 tỷ đồng năm 2020 lên 60.792 tỷ đồng vào năm 2023); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ).
GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 62,2 triệu đồng/người, cao gấp 1,4 lần năm 2020. Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường.
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với Tây Nguyên và cả nước; có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước (13.070,41 km2); diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng thứ hai cả nước (660.189 ha); dân số khoảng 1,9 triệu người (chiếm 34% dân số Tây Nguyên, đứng thứ 10 cả nước), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 36%, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; có đường bộ, đường hàng không thuận lợi, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác và nằm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Lợi thế này giúp Đắk Lắk có thể mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), du lịch (đặc biệt Đắk Lắk có di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại).
Nỗ lực đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư
Song song với việc đẩy mạnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, trong những năm qua Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác thu hút và kêu gọi đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thu hút được 57 dự án với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng.
Đối với thu hút đầu tư của các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, kể từ năm 2010 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút trên 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, giáo dục, cải tạo và phát triển rừng. Điển hình có các dự án đầu tư có quy mô, tổng vốn đầu tư lớn như: Nhà máy điện gió Ea Nam (tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ); Trung tâm MM Mega Market (tổng vốn đầu tư 300 tỷ); Trung tâm Thương mại điện máy Nguyễn Kim (tổng vốn đầu tư 300 tỷ) đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tỉnh luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Đây là vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và luôn xem các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Đắk Lắk. Đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, địa phương luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
“Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức duy trì việc tiếp đón, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư tại trụ sở UBND tỉnh định kỳ thứ 5 hàng tuần. Thông qua đó, lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ngành trả lời và kịp thời giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tất cả những việc làm trên đảm bảo cho các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được xuyên suốt, toàn diện, hạn chế tối đa những tiêu cực, nhũng nhiễu ở các cấp thi hành”, ông Nguyễn Thiên Văn cho biết thêm.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, toàn bộ tỉnh Đắk Lắk thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, trong đó: Thị xã Buôn Hồ và các huyện thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thành phố Buôn Ma Thuột thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Các dự án đầu tư tại những địa bàn này đều được miễn tiền thuê đất từ 7-15 năm hoặc cho cả thời hạn thuê đất tùy theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư khác theo quy định.
Ngoài những chính sách ưu đãi của Trung ương, Nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, cụ thể khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hoá, Nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với dự án tại các phường thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với đất tại các xã thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác.
Ðể thúc đẩy Thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; ngày 15/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc gồm 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.
Đối với các dự án đầu tư vào Thành phố Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, y tế, giáo dục và đào tạo, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng tái tạo, đầu tư kinh doanh trung tâm logistics được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với dự án đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
“Thành công trong thu hút đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Đắk Lắk từng bước hoàn thiện hình ảnh của mình trong mắt các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực; tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, kinh doanh”, ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh.
Phát huy thế mạnh vốn có, tạo điểm nhấn mới qua các sự kiện được tổ chức trong năm 2024
Đắk Lắk được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái với thác, hồ nước, khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Đắk Lắk không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ mà còn rất nhiều lễ hội độc đáo để khám phá, hứa hẹn mang đến nhiều sự kiện hoạt động độc đáo, đặc sắc để giới thiệu đến du khách những trải nghiệm tuyệt vời của vùng đất này. Trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Đắc Lắc, tiêu biểu như: Các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024) như Lễ hội hóa trang với chủ đề: “Đắk Lắk, Năng động - Sáng tạo - Hội nhập”, Hội chợ triển lãm thương mại chất lượng cao và giới thiệu sản phẩm OCOP, Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa.
Sau thành công của Lễ hội Sầu riêng lần thứ 1 tổ chức năm 2022 đã đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục ngàn du khách và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư; để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển sản phẩm sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức Lễ hội Sầu riêng lần thứ 2 tại huyện Krông Pắc diễn ra ngày 31/8 đến ngày 2/9/2024 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đây cũng là sự kiện nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk; ngoài ra sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc các dân tộc Tây nguyên, các chương trình văn hoá, thể thao sẽ được tổ chức xuyên suốt năm 2024 tại các địa phương trên địa bàn Đắk Lắk.
“Trong thời gian tới, trước bối cảnh nguồn lực để đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước sẽ có sự hạn chế, nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển, Đắk Lắk cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương góp phần hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên và cả nước”, ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh./.