LTS: Quản lý đất nghĩa trang là một dạng quản lý đặc biệt mang tính văn hóa tâm linh sâu sắc do cơ quan Nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân thực hiện nhằm đạt được mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường, thỏa mãn nhu cầu về việc an táng của nhân dân. Sử dụng đất nghĩa trang là việc dùng quỹ đất để xây các mộ phần, khu lưu trữ tro và xây dựng các công trình phục vụ việc táng (nhà tang lễ, đài tưởng niệm, nhà hỏa táng, đường, hệ thống xử lý rác, nước thải,...). Việc táng người đã chết được tích tụ từ đời này qua đời khác, nếu không được quy hoạch và sử dụng một cách hợp lý thì việc lãng phí đất, ô nhiễm môi trường là tất yếu và nguy cơ thiếu đất cho người đang sống là điều dễ xảy ra trong tương lai không xa. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, quỹ đất đòi hỏi phát triển đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp cũng theo đó mà tăng theo thời gian, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp và diện tích đất dành cho nghĩa trang cũng bị ảnh hưởng, phải di dời sang vị trí khác, hoặc phải quy hoạch tập trung trên một diện tích nhỏ hơn.
Do vậy, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết về mặt áp dụng pháp luật liên quan, công tác quản lý bị buông lỏng sẽ dẫn tới việc sử dụng đất nghĩa trang bừa bãi, thu, chi không minh bạch tạo nên rào cản không đáng có cho sự phát triển kinh tế - xã hội và gây ra những bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.
Thời gian gần đây, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh nhận được phản ánh về những bất cập trong công tác quản lý tiền thu, chi và sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, cụ thể là nghĩa trang Trung Lập.
Điều mà người dân bất bình đó là việc giao đất nghĩa trang này có dấu hiệu “mua bán” nhưng núp dưới danh nghĩa “tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng”. Những người trong tiểu ban quản lý nghĩa trang Trung Lập lại ngang nhiên thu phí, mời chào cho những người ngoài địa phương khác, không có hộ khẩu, thường trú với mức giá 160 – 200 triệu đồng/hố và 60 triệu đồng/hố trẻ em tập trung. Mặc dù với mức giá hết sức lớn nhưng không được thông báo cụ thể, không thấy công khai minh bạch việc thu, chi cho bà con nhân dân biết(?)
Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đến ghi nhận thực tế tại Nghĩa trang Trung Lập. Theo đó, xung quanh không thấy biển thông tin bảng, giá dịch vụ công khai niêm yết tại khu vực này. Một người phụ nữ xưng tên là Lan tự giới thiệu là người quản lý và trông coi tại nghĩa trang Trung Lập tưởng phóng viên là người có nhu cầu tìm đất nghĩa trang nên đã ra "chào mời" với những diện tích đất, khu mộ có kích thước rộng khoảng 1m đến 2m50 với giá tiền đúng như người dân phản ánh. Người này còn dặn dò “khi nào em đồng ý thì chị mới đưa vào, không ai dám đưa đàng hoàng công khai đâu vì chỗ đấy không trình với làng, đưa vào với tư cách 1, 2 người mang về thôi, không được ồn ào.
Nếu em muốn đàng hoàng hẳn, ngôi mộ kia là 160 triệu đồng, chị có giấy tờ đàng hoàng. Thí dụ ngôi mộ đấy ở H7 khu B, có số mộ đàng hoàng vì chị đưa những đứa trẻ vào rất nhiều rồi, còn nếu không có điều kiện thì muốn đưa cháu vào ngôi mộ tập trung kia. Nếu em không đăng ký thì không còn đâu.… Chị quản lý ở đây, giấy tờ nếu em đồng ý thì mới được xem...”
Cũng theo người dân nơi đây phản ánh, mặc dù sống trên địa bàn phường Lĩnh Nam, muốn chôn cất người nhà tại nghĩa trang Trung Lập thì tiểu ban quản lý nghĩa trang yêu cầu đóng 10 triệu đồng/hố bằng “Đơn xin mai táng”, trong đó có mục in ghi sẵn “Tôi xin tự nguyện đóng góp đầy đủ kinh phí xây dựng hạ tầng, cơ sở của nghĩa trang theo quy định của Tiểu ban quản lý nghĩa trang” và “Phiếu thu” tiền.
Theo người dân, quy định trên giấy chỉ mất chi phí xây hố theo giá dịch vụ của nghĩa trang là 5 triệu đồng/hố. Tuy nhiên phải mất thêm tiền dịch vụ xây hố với giá 5 triệu đồng/hố, nếu không nộp thì không được làm, gia đình cố tình làm thì sẽ gọi người đến cản trở.
Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 30/12/2022, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt – Phó chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam và đại diện tiểu ban quản lý nghĩa trang Trung Lập là ông Dương Văn Được (Trưởng tiểu ban), Dương Quốc Vang, Dương Văn Dũng.
Ông Hoàng Việt cho biết, “Nghĩa trang làng Trung Lập được UBND phường giao cho tiểu ban quản lý di tích năm 2019. Toàn bộ hoạt động của tiểu ban quản lý di tích căn cứ vào sự chỉ đạo của chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố và dân làng Trung Lập để có những nội quy, quy chế nhất định trên sự bàn bạc thống nhất từ cách quản lý, phân công bảo vệ cho đến việc thu chi. UBND không tham gia quản lý tài chính nghĩa trang làng Trung Lập.
Về nội quy quy chế UBND phường có phê duyệt. Từ tháng 3/2022, tuỳ theo giá cả thị trường theo các đối tượng chứ không áp một giá chung. Về việc kế toán hướng dẫn làm sổ sách, công tác quản lý không được tốt lắm, có những cái giá biểu công khai hay văn bản gì đấy, hoàn toàn hệ thống sổ sách của các cụ chép tay hết…”.
Trả lời câu hỏi "UBND phường căn cứ vào quy định nào để cho phép tiểu ban quản lý cho phép người ngoài vào để chôn cất mai táng tại nghĩa trang?". Ông Hoàng Việt cho biết UBND ban hành quy chế này là đã giao cho khu dân cư, tổ dân phố ở đó họp bàn thống nhất để cử những người đại diện ra làm Ban quản lý nghĩa trang. Tất cả những việc liên quan đến người dân có nguồn gốc, thường trú hay người nơi khác đến mua và sử dụng dịch vụ mai táng thì đã thống nhất xã hội hoá và đều có mức giá khác nhau theo thị trường.
Ông Dương Văn Được (Trưởng tiểu ban) trao đổi thêm: Ai sinh sống từ 1995 trở về trước là thu 15 triệu đồng/ngôi mộ với diện tích 1m – 1,5m; từ 1995 đến 2005 là 20 triệu đồng; từ 2006 đến 2015 là 50 triệu đồng; từ 2016 đến 2025 là 70 triệu đồng, áp dụng cho những người thường trú tại đây, còn người làng không thu tiền.
Đơn xin mai táng có mẫu sẵn trước 2016, chúng tôi làm theo mẫu đó, ai đồng ý thì làm, không thì thôi và tôi thấy hợp lệ chứ không ép ai cả, ai đồng thuận thì ký vào tự nguyện.
Ngày 06/01/2023, phóng viên tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch Hội người cao tuổi phường và ông Hoàng Việt – Phó chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam.
Về nội dung "tiểu ban quản lý nghĩa trang Trung Lập sử dụng số tiền thu được từ việc mua bán đất mộ mai táng đó như thế nào? Có sổ thu chi, biên bản làm việc nào cụ thể hay không?" Ông Nhuận cho biết, Ban quản lý di tích và nghĩa trang Trung Lập trong năm vừa rồi có đầu tư tôn tạo nghĩa trang, xây dựng tường bao xung quanh, bể hố, làm các hệ thống thoát nước. Ngoài ra làng Trung Lập có đầu tư xây dựng giếng Ngọc ở cửa đình. Tất cả vận dụng từ tiền của nghĩa trang, còn tiền xã hội hóa từ đình thì không đáng kể.
Toàn bộ mẫu giá của tiểu ban quản lý nghĩa trang thực hiện theo hương ước của làng quy định chứ chính quyền không liên quan và động đến kinh phí này. Kế toán phường không có cơ sở nào để tham mưu cho UBND phường hay hướng dẫn cho tiểu ban quản lý vì thành phố hay quận không có văn bản giá cụ thể về chôn cất."
Hội Người cao tuổi phối hợp với phường để theo dõi giám sát việc quản lý di tích, nghĩa trang của làng. Còn mặt quản lý nhà nước là UBND phường quản lý và giao cho tiểu ban quản lý di tích quản lý nghĩa trang trực tiếp, chứ không để cho tổ quản trang tự quyết định việc mua bán mai táng. Vợ chồng ông Dũng và bà Lan là được thuê về bảo vệ và nhận cả dịch vụ xây đào mộ, chứ không cho họ quán lý hay tự thỏa thuận, mời chào giá ở đây(?)
Nêu quan điểm về vụ việc này. Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Mặc dù, hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể về đất nghĩa trang và thu, chi phải công khai, minh bạch; tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc áp dụng pháp luật tại phường Lĩnh Nam lại bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng và giám sát của chính quyền địa phương nơi đây dẫn đến sự “hỗn loạn” trong công tác an sinh, xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Việc này các cơ quan chức năng của quận Hoàng Mai cần vào cuộc làm rõ.
Văn bản số 63/QĐ-UBND ngày 4/4/2019 “Về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn phường Lĩnh Nam”, có nêu:
Tại khoản 2, Điều 2: Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nghĩa trang trên địa bàn:
a, Công chức Văn hóa – Xã hội: Tham mưu UBND phường quản lý nhà nước về việc quản lý, sử dụng nghĩa trang. Tham mưu xây dựng giá dịch vụ nghĩa trang để UBND phường trình UBND quận Hoàng Mai phê duyệt.
c, Công chức địa chính – kế toán: Tham mưu UBND phường trong giải quyết các vấn đề về giá dịch vụ nghĩa trang, hướng dẫn quy định thu – chi, lập hồ sơ, sổ sách kế toán cho Tiếu ban quản lý nghĩa trang các làng.
Tại Điều 4. Trách nhiệm các Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang
3. Trưởng Tiểu ban là người chịu trách nhiệm chung và phân công trực quản lý, tổ chức hướng dẫn, phục vụ các dịch vụ theo yêu cầu. Mặt khác, Trưởng Tiểu ban quản lý nghĩa trang chịu trách nhiệm trước Chi hội Người cao tuổi, UBND phường và pháp luật về hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
Tại Điều 6. Xử lý các vi phạm
UBND phường căn cứ Quy chế này và theo Điều 11 Bản quy định kèm theo Quyết định 30/2017/QĐ – UBND ngày 11/9/2017 của UBND TP. Hà Nội và các quy định của pháp luật có liên quan để xử lý.
Các Tiểu ban quản lý nghĩa trang căn cứ Nội quy nghĩa trang, ngăn ngừa không để xảy ra các hiện tượng mua bán, chuyển nhượng đất tại nghĩa trang; trường hợp tổ chức quản lý nghĩa trang thiếu trách nhiệm để xảy ra hiện tượng mua bán, chuyển nhượng đất tại nghĩa trang, thu sai giá dịch vụ duy định thì UBND phường phối hợp với cơ quan liên quan xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định hiện hành.