Hà Nội hàng hóa dồi dào khi trở lại bình thường mới

Sáng 14/10, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Theo đó, nhiều lĩnh vực kinh doanh sản xuất được phép hoạt động trở lại bình thường.
nguoi-ha-noi-1634195543.jpg
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Sáng 14/10, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Theo đó, nhiều lĩnh vực kinh doanh sản xuất được phép hoạt động trở lại bình thường. Trước tình hình này, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, chợ dân sinh những ngày qua vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú, sức mua không cao.
Khảo sát thị trường hàng hóa lương thực, thực phẩm, rau củ quả sáng 14/10 tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Gốc Đề, Kim Liên, Thành Công, chợ Xanh Bách Khoa… cho thấy, giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 80.000 – 120.000 đồng/kg; trong đó, thịt ba chỉ, nạc thăn, rẻ sườn ở mức 120.000 đồng/kg. Giá thịt bò phổ biến ở mức từ 180.000 – 270.000 đồng/kg. Giá cá trắm trắng ở mức từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, trắm đen ở mức từ 90.000 – 120.000 đồng/kg. Giá trứng gà ở mức trên dưới 30.000 đồng/chục…
Tương tự, giá nhiều loại hải sản cũng ở mức thấp. Giá các loại hải sản đông lạnh như mực ống từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; Tôm loại 10 con/kg giá 350.000 đồng, loại  20 con/kg 250.000 đồng, loại 30 con/kg giá dưới 200.000 đồng/kg; ghẹ xanh từ 3 – 5 con/kg giá 250.000 đồng/kg.
Giá các loại thịt gia cầm cũng không có biến động. Giá gà ta sáng nay tại chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên vẫn đang là từ 120.000- 140.000 đồng/kg; giá ngan 85.000 đồng/kg; vịt 70.000 đồng/kg, không có biến động so với những ngày trước.
Bác Nguyễn Thị Nghĩa, chủ quầy hàng thịt lợn chợ Nguyễn Công Trứ cho biết,  giá thịt lợn hiện đang khá “mềm” là do giá lợn hơi giảm. Mặt khác, do lưu thông đi lại thuận lợi, các tiểu thương tại các chợ đều được bán hàng trở lại. Nguồn cung dồi dào nên giá cả hạ nhiệt. Tuy nhiên, sức mua của người dân thấp.
Đồng quan điểm này, chị Phạm Thị Nụ, tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Hôm Đức Viên cho biết, do lưu thông hàng hóa dễ dàng nên giá rau củ quả cũng rất thấp, nguồn cung lại dồi dào do thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường cũng không tăng nhiều.
Trong khi giá thực phẩm ổn định ở mức thấp thì giá rau xanh tại một số chợ dân sinh tăng khá cao. Cụ thể, rau cải ngồng ở từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây vài ngày, tương tự, rau cải chíp 17.000 đồng/kg tăng lên 23.000 đồng/kg, cải thảo từ 15.000 đồng tăng lên từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, rau muống trước từ 8.000 - 9.000 đồng/mớ nay tăng lên 12.000 đồng/bó.
Đáng chú ý, giá rau gia vị đang ở mức khá cao, rau húng bạc hà 5.000 đồng/mớ; rau húng láng 3.000 – 5.000 đồng/mớ; rau mùi cũng ở mức 3.000 – 5.000 đồng/mớ. Nguyên nhân được các tiểu thương cho biết, do mưa bão diễn ra liên tục diễn ra liên tục mấy đợt nên nguồn cung rau xanh bị ảnh hưởng, nguồn lấy buôn cũng ít hơn mọi khi nên giá buôn vào cũng tăng cao hơn buộc bán lẻ cho khách phải tăng giá.
Chị Vũ Kim Oanh, ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, được đi lại bình thường không phải sử dụng phiếu đi chợ, các mặt hàng rau của quả, thịt cá, hải sản tại các chợ cũng rất nhiều và giá cả cũng phải chăng. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại các chợ cũng được quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ 5K nên rất yên tâm.  
Cũng theo các tiểu thương, mặc dù hôm nay các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR. Tuy nhiên, sức mua không có sự biến động so với những ngày trước đó. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ nhập với số lượng nhỏ và cầm chừng, bán thăm dò khách hàng.
Tại các chợ dân sinh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được Ban quản lý các chợ quan tâm chú trọng. Người dân vào chợ đều được nhắc nhở khai báo y tế, đo thân nhiệt, thực hiện công tác 5K của Bộ Y tế để đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và trở về cuộc sống bình thường mới./.