Hà Nội đang nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 22/12, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã có tham luận với chủ đề “Hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22/2/2022 - Thiết kế không gian trải nghiệm từ những di sản văn hóa, kiến trúc, công nghiệp” từ thực tiễn của Hà Nội.
ha-noi-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-1703380341.jpg
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa các nội dung này.

Cụ thể, năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045” với các mục tiêu được xác định cụ thể cho từng giai đoạn và xác định các lĩnh vực có lợi thế của Thủ đô để tập trung triển khai; trước mắt tập trung một số ngành: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí.

Bên cạnh việc xác định các mục tiêu của từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể để phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thí điểm triển khai một số sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách và nhân dân. Điển hình như chương trình tham quan, trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò với chủ đề “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - sống như những đóa hoa”; Tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhiều triển lãm, trưng bày quy mô, chất lượng thu hút lượng lớn khách tham quan, thụ hưởng. Số lượng khách từ khi triển khai thí điểm các sản phẩm văn hóa tăng 200% so với trước đó.

Sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo và 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, hiện nay, thành phố ngày càng có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa.

“Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chỉ hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

Một trong những điểm nhấn quan trọng khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UN Habitat tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên, trong đó mỗi năm chọn một chủ đề khác nhau. Năm 2021 chọn chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”; năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” và được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm trưng bày, thu hút hơn 200.000 khách tham quan.

Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng cũng được thành phố quan tâm. HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong đó có tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều Nghị quyết chuyên đề khác, như: Quy định về đãi ngộ, hỗ trợ với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở các lĩnh vực, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố hà Nội. Đến nay, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô sửa đổi… hướng đến đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô một cách bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đề xuất: Một là, nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế thực thi hiệu quả Quy hoạch cấp quốc gia cho chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hai là, ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện “Khung tiêu chí, chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa” tới các ngành, địa phương.

Ba là, sửa đổi, bổ sung những chính sách còn chênh với thực tiễn, là “rào cản” trong phát triển, bao gồm vấn đề hợp tác công - tư trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản...