Xây dựng mô hình du lịch canh nông gắn với tiềm năng du lịch của địa phương
Mảnh đất Tây Nguyên được biết đến là nơi của những nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc bao đời gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó có mảnh đất Lâm Đồng có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú…, đã tạo nên khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, với nhiều cảnh quan hấp dẫn mang đến những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết: “Chúng ta đang làm nông nghiệp công nghệ cao, giá trị đa chức năng trên 1ha đất sẽ tăng lên gấp 3 lần, bình quân 1ha du lịch canh nông trên đất nông nghiệp khoảng 2 tỷ đồng nhưng chúng tôi thực hiện du lịch canh nông đạt được hơn 6 tỷ đồng/ha".
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2022, số lượng khách đến Lâm Đồng đạt 7,5 triệu lượt khách, so với kế hoạch tăng 36%, cao nhất từ trước đến nay; thu hút 147 dự án du lịch, với tổng mức đầu tư là hơn 54.000 tỷ đồng; có hơn 3.000 cơ sở lưu trú với nhiều sản phẩm du lịch phong phú.
Ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… trong thời gian gần đây, tỉnh tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch canh nông - một sản phẩm mà ông Hiệp cho rằng Việt Nam có thế mạnh.
Để đạt được những thành tích đáng kể nêu trên, trước đó, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch chất lượng cao. Trong thời gian, tới tỉnh xác định xây dựng các đề án về phát triển du lịch, đồng thời thực hiện chuyển đổi số và quảng bá du lịch. Chính việc quảng bá thương hiệu và thực hiện tập trung nên thành phố Đà Lạt liên tiếp 4 năm được công nhận là thành phố môi trường ASEAN và nhiều lần được vinh danh là điểm đến quốc tế.
Bên cạnh đó, một trong những sản phẩm du lịch rất phù hợp và cần đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên là du lịch cắm trại. Vốn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, trong lành, phù hợp cho những người trẻ yêu du lịch trải nghiệm, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách hành trình tham quan đầy lý thú và nhiều kỉ niệm khó quên.
Xu thế phát triển nông nghiệp nông thôn kết hợp du lịch
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ, du lịch nông nghiệp nông thôn là xu thế ngày càng được ưa chuộng.
Với những tiềm năng vốn có, tại các địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp gắn liền với tiềm năng du lịch của tỉnh. Hàng ngàn mô hình làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống đã được phát triển mạnh mẽ, nhân rộng, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển đời sống kinh tế- xã hội của người dân ở mỗi địa phương này.
Các địa phương đã rất thành công trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp thay đổi diện mạo nhiều thôn, xóm, làng, xã, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thu hút khách du lịch đến với những điểm du lịch đặc sắc của địa phương.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn hay còn gọi là nông du lịch là xu thế ngày càng được ưa chuộng. Loại hình du lịch này đã hình thành từ rất lâu gắn liền với những tên gọi khác nhau như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông trại, kỳ nghỉ đồng quê, homestay…
Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với các tỉnh miền núi trung du và miền núi phía Bắc, du khách có thể trải nghiệm tham quan nông trường Mộc Châu, Ba Vì, ruộng bậc thang ở Sapa, thăm bản làng ở Hòa Bình…
Tại dải đất miền trung, du khách trong nước và quốc tế sẽ được khám phá những nét văn hóa độc đáo, cực kỳ ấn tượng khi được trải nghiệm làm nông dân ở Hội An, làm gốm ở Thanh Hà hay làng rau ở Trà Quế…
Khi về miền Tây sông nước thơ mộng, du khách chắc hẳn sẽ vô cùng thích trải nghiệm lần đầu trở thành nông dân vùng đồng bằng châu thổ để được đi cấy, đi tát đìa bắt cá, trồng rau…
Các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp nông thôn này đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều tấm gương sáng trong việc làm giàu, khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương thông qua các mô hình sản xuất nông trại kết hợp du lịch tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, tại các bản làng dân tộc xa xôi, hẻo lánh, đời sống của bà con dân tộc ngày càng khởi sắc nhờ làm du lịch. Người dân sẽ có ý thức giữ gìn các nghề truyền thống, phong tục tập quán của địa phương. Đồng thời, các sản phẩm nông lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống của địa phương được tăng thêm giá trị trở thành đặc sản địa phương, phát triển sản phẩm OCOP nhờ vào du lịch.
Không chỉ có vậy, phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp nông thôn còn mang lại những giá trị vô hình rất quý báu khác như: Định vị hình ảnh nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái thông qua đó tiếp thị quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn; giới thiệu hình ảnh nông thôn Việt Nam vào văn hóa, người dân nông thôn Việt Nam đôn hậu, hiền hòa, hiếu khách; tính cấu kết cộng đồng cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; cùng nhau giữ gìn đồng quê; khơi gợi tình yêu với nông nghiệp, thiên nhiên với người nông dân; tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn hướng đến những làng quê đáng sống, đáng quay về.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Thông qua các doanh nghiệp lữ hành, đẩy mạnh sự kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn; hình thành các "điểm đến vệ tinh" với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, thu hút khách tham quan đặc biệt là khách quốc tế./.