Nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi nhờ nông nghiệp hữu cơ

Nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 của UBND TP. Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đang đẩy mạnh phát triển mô hình trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ.

Thời gian vừa qua có không ít cây trồng, vật nuôi đặc sản mới đã được đưa vào sản xuất. Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, nhiều nông dân ở các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức… đã lựa chọn giống gà pha Đông Tảo để chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Đây không phải là giống gà bản địa của Hà Nội, nhưng được các cơ sở ấp nở trứng gia cầm tại huyện Phú Xuyên và một số cơ sở giống khác trên địa bàn thành phố lai giống thành công.

Ông Nguyễn Văn Thơi (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) đang nuôi 100 con gà pha Đông Tảo chia sẻ, giá giống gà này như các giống gà phổ thông khác, nhưng có ưu điểm là tăng trưởng tốt, thịt mềm, ngon, ngọt. Chính vì vậy, gà Đông Tảo luôn bán được giá, ngay cả khi gà thả vườn khó tiêu thụ.

Còn bà Nguyễn Thị Khởi, chủ cơ sở ấp nở lớn tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) cũng cho hay, các loại giống đặc sản bản địa như vịt cỏ Vân Đình, ngan đen, gà lai Đông Tảo… được nhiều nông dân lựa chọn nuôi, nhất là khu vực nông hộ. Các loại giống được cải tiến trên nền tảng giống bản địa gắn với chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã tạo ra nhiều nông sản đặc sản, đáp ứng phân khúc cao của thị trường.

Không chỉ lĩnh vực chăn nuôi, trong trồng trọt, các giống bản địa cũng đang được nông dân lựa chọn, đưa vào ứng dụng sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Điển hình, trên địa bàn thành phố có nhiều giống bưởi đặc trưng ở mỗi địa phương, như: Huyện Phú Xuyên có giống bưởi Thồ đặc sản, quả to, ngọt, cho thu hoạch vào dịp Tết Trung thu; huyện Mê Linh có giống bưởi đỏ Đông Cao, quả đỏ, đẹp, được người tiêu dùng săn đón dịp Tết Nguyên đán…

Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, đã có thời gian dài, nông dân Đông Cao phá bỏ cây bưởi đỏ, trồng một số giống bưởi khác, nhưng về mẫu mã, chất lượng thì bưởi đặc sản của địa phương vẫn có những ưu điểm vượt trội. Do vậy, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Thủ đô, cây bưởi đỏ đang phát triển trở lại, trở thành nông sản đặc sản tiêu biểu của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5-2,0% tổng diện tích đất trồng trọt và tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã và đang triển khai nhiều mô hình, qua đó vừa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, vừa giúp bảo tồn, nâng cao giá trị các loại giống cây trồng, vật nuôi bản địa, tạo ra nông sản đặc sản phục vụ phân khúc thị trường cao cấp.

vo-chong-ba-phung-thi-tho-c-1678295138.jpeg

Một hộ gia đình đang chăm sóc cây bưởi hữu cơ. Ảnh minh hoạ

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội đang phát triển theo 2 nhánh, là: Nông nghiệp sử dụng giống mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở quy mô lớn và theo hướng bảo tồn, phát triển các loại giống bản địa, thơm ngon, đặc sản, ở quy mô nông hộ.

Thực tiễn đã chứng minh, sản xuất nông nghiệp ở quy mô nông hộ chỉ hiệu quả nếu gắn với phương pháp hữu cơ, nuôi trồng các loại cây con đặc sản. Các mô hình của khuyến nông theo hướng này đã có sức lan tỏa lớn và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Còn Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin, trong khi nhiều loại cây ăn quả có dấu hiệu thoái trào, nông dân canh tác không có lãi, thì các loại đặc sản khu biệt hẹp lại đang đứng vững trên thị trường. Minh chứng là tại các vùng trồng cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, như bưởi Diễn, bưởi đỏ Đông Cao, nhãn chín muộn Đại Thành…, nông dân sản xuất đều có lãi, nông sản không bị ế thừa, không phải "giải cứu".

Tuy nhiên, hiện nhiều loại giống đặc sản địa phương cho sản lượng thấp, do giống bị thoái hóa, nông dân áp dụng phương pháp canh tác vô cơ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoặc thức ăn công nghiệp, khiến chất lượng nông sản không cao… Do đó, để các loại đặc sản này phát huy thế mạnh, các địa phương cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá nông sản đặc sản..., hướng nông dân quay lại với phương thức sản xuất hữu cơ một cách bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5-2,0% tổng diện tích đất trồng trọt và tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi…

Để tạo bước chuyển mới, hiệu quả và bền vững cho nông nghiệp hữu cơ, thành phố Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, bảo quản ngân hàng gen, giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý. Không chỉ được bảo tồn, mà các loại giống cây trồng, vật nuôi này sẽ được đầu tư, lai tạo nâng cấp… để đưa vào sản xuất đại trà.

Đây được coi là cách làm để nâng cao giá trị các loại cây con đặc sản, đồng thời giúp giải bài toán phát triển nông nghiệp ở khu vực nông hộ vốn đang loay hoay tìm loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy mô sản xuất.

Thi Nguyên (t/h)