Các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu và các loại củ, quả…đang phát triển nhanh theo hướng tái canh và chuyển đổi phù hợp với từng địa bàn. Tuy nhiên, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các vấn đề nội tại, tổ chức sản xuất, phương thức canh tác lẫn các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, cần có đáp án đúng đắn và kịp thời mang tính cấp thiết để đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước và phù hợp xu thế tất yếu hiện nay ở nước ta, trong đó Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng.
Đầu tư khoa học công nghệ, một yêu cầu cấp thiết hiện nay
Theo các nhà phân tích thị trường, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia, đóng góp chính trong việc giảm nghèo, đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bằng nhiều cố gắng, Việt Nam đã đạt một số tiến bộ trong việc đặt ra những mục tiêu về nền nông nghiệp xanh, bền vững. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững hơn, tăng cường nỗ lực cả về thích ứng và giảm thiểu tác động của khí hậu đang biến đổi phức tạp khó lường.
Tuy nhiên, việc sử dụng vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp quá mức, quản lý chất thải kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên. Sản xuất lúa gạo và chăn nuôi là nguyên nhân gây ra 30% lượng phát thải khí nhà kính ở nước ta,… Hiện nay, người tiêu dùng yêu cầu nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi. Thị trường mới đang đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. Sản xuất, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo, ổn định và vì người tiêu dùng.
Để góp phần giải bài toán này, ngành nông nghiệp nước ta nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng không còn cách nào khác là phải nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, cần chú ý đến ứng dụng vào khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.
Được coi là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, ngành nông nghiệp hiện nay, nhất là các tỉnh Tây Nguyên vẫn chỉ sản xuất nguyên liệu, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, mùa vụ, chưa có sự tham gia nhiều của các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu khiến cho các sản phẩm nông sản của nước ta bị giảm giá trị đi rất nhiều. Hàng hóa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu xuất thô dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, các loại trái cây như bơ, thanh long, dưa hấu, mít… giá không ổn định theo hướng giảm trong khi chi phí đầu tư tăng cao, có thời điểm hàng ngàn tấn hàng hóa nông sản bị ùn ứ ở các cửa khẩu gây nên thiệt hại rất lớn cho nông dân, nhà xe và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 80% - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu dưới dạng thô sang thị trường các nước, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, do đó giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá. Đây là điểm yếu của ngành nông nghiệp nước ta, do đó yêu cầu cấp thiết hiện nay của ngành là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và khâu chế biến. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch đem lại rất nhiều hiệu quả cho các sản phẩm nông sản. Nghiên cứu nền nông nghiệp ở Hàn Quốc cho thấy, trang trại rau sạch của các doanh nghiệp nước này sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cà chua, nhờ đó cà chua thu hoạch sẽ giữ được độ tươi lâu hơn. Nếu như trái cà chua không áp dụng công nghệ bảo quản chỉ giữ được độ tươi trong 7 ngày nhưng khi áp dụng công nghệ này, có thể giữ đến 20 ngày.
Hiện nay, Công ty CP Rau sạch Việt Nam đang áp dụng một số các phương pháp bảo vệ cây trồng trong sản xuất như nhà lưới, công nghệ tưới tiên tiến… giúp cho các sản phẩm nông sản được bảo vệ tốt hơn mà không phải sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo quản độc hại, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản sạch và năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất theo cách thông thường.
Tại tỉnh Gia Lai với tất cả niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, sau nhiều năm miệt mài tìm tòi nghiên cứu, người nông dân Trần Quang Sơn nay là Giám đốc Công ty Tiêu Đỏ Gia Lai đã làm ra dòng tiêu đỏ đa sắc sấy bằng tia hồng ngoại chất lượng cao. Đây là dòng tiêu đắt tiền, chỉ chiếm 1% sản lượng hồ tiêu thế giới, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường gia vị cao cấp, giá trị xuất khẩu sau khi chế biến hiện cao gấp 9-10 lần tiêu đen.
Để có được sản phẩm này phải thay đổi phương thức canh tác, áp dụng mô hình trồng hữu cơ mới đảm bảo đầy đủ về dinh dưỡng và độ ẩm thì sẽ cho năng suất và chất lượng cao hơn với số lượng quả chín nhiều, hạt bóng chắc và đồng đều nhau, chi phí đầu tư cũng thấp hơn so với dùng phân bón hóa học. Kết quả này cho thấy trên một diện tích vườn tiêu nếu khai thác ½ sấy hồng ngoại, sẽ cho giá trị gia tăng hơn nhiều. Điều có tính quyết định hiện nay là sản xuất nông nghiệp phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ ứng dụng sinh học, kỹ thuật chăm sóc, chế biến, bảo quản để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành hạn chế thiệt hại do, thiên tai, biến đổi khí hậu và các nguyên nhân khách quan khác gây nên. Đây là mục tiêu mà các doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân cần phải quyết tâm thực hiện nếu muốn phát triển bền vững, hiệu quả. Thực hiện điều này không chỉ đầu tư công nghệ, mà còn phải đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao trong quá trinh sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Ứng dụng khoa học công nghệ bằng cách nào?
Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để giúp các doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào lĩnh vực này. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đang đầu tư khá mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản. Công ty CP Vinamit (Vinamit) đã đầu tư thêm công nghệ sấy lạnh để cho ra đời những sản phẩm đã qua chế biến như xoài, chuối, bơ, sầu riêng... luôn giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên, hạn chế tối đa thất thoát dinh dưỡng (khoảng 5%) để phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu “khó tính” như Nhật, Mỹ và châu Âu.
Theo chia sẻ của Vinamit, với những công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại mặc dù doanh nghiệp phải đầu tư khá tốn kém nhưng bù lại sản phẩm làm ra sẽ thu về giá trị gia tăng cao bởi đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, không bị thất thoát, giảm chất lượng sau thu hoạch.
Những động thái của Công ty CP Rau sạch Việt Nam hay Vinamit cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại “kinh tế số”. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nông sản trong nước nào cũng làm tốt khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Trên thực tế, sản lượng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn chủ yếu là xuất thô. Các loại rau, củ quả tươi không qua khâu xử lý sau thu hoạch thời gian bảo quản ngắn… khiến cho giá trị gia tăng thấp và thường xuyên bị ép giá.
Chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” là phải hướng tới những giá trị xanh, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Muốn vậy, hàng loạt giải pháp cần được triển khai, trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành về một nền nông nghiệp đa giá trị - không chỉ là “trụ đỡ” cho khu vực nông thôn mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; đồng thời tiếp cận đa chiều với nông nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó chuyển tư duy, nhận thức thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Cùng với việc cơ cấu lại và quy hoạch nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng; nhất là các tỉnh Tây Nguyên, địa bàn có diện tích cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… chiếm tỷ lệ lớn so với cả nước cần gắn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với các loại hình du lịch… Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ và tài chính đầu tư vào lĩnh vực này.
Lời giải cho “bài toán” nông nghiệp công nghệ cao của Tây Nguyên là gắn công nghệ với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó vấn đề sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại và các hộ nông dân thì không phải doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại hay hộ nông dân nào cũng đủ tầm, đủ lực để đầu tư cho việc mua sắm các công nghệ tiên tiến. Vì vậy, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại và người nông dân rất cần sự liên kết, một chiến lược dài hơi từ người sản xuất đến đơn vị thu mua, chế biến, bảo quản, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cùng với sự tham gia của các Bộ, Ngành, Trung ương và sự quan tâm đặt biệt của lãnh đạo các địa phương sẽ tạo nên động lực mới để nền nông nghiệp nước ta nói chung, địa bàn Tây Nguyên nói riêng phát triển vững chắc đem lại hiệu quả, niềm tin, sự khích lệ cho doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.