Giống gà đặc biệt giúp nông dân vùng cao ở Quảng Ngãi kiếm bộn tiền

Tận dụng lợi thế về tự nhiên, địa phương đã triển khai hỗ trợ người dân nuôi gà đặc sản. Đây là giống gà đặc biệt có chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Gà nuôi theo quy trình kỹ thuật kết hợp chăn thả tự nhiên nên có giá cao, người dân vùng cao tăng lợi nhuận.
ga-mong-den-01-1704335666.jpg
Gà H'Mông dễ nuôi, có khả năng chống chọi tốt với môi trường và các dịch bệnh.

Đưa gà H’Mông đặc sản về miền Trung

Tháng 9/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) triển khai thực hiện chuyển giao mô hình nuôi gà H’Mông (hay còn gọi là gà đen) thương phẩm cho một số hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa). Theo đó, mỗi hộ dân tham gia được hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Quy mô thực hiện 300 con/hộ với tổng kinh 15 triệu đồng/hộ.

Qua hơn 3 tháng triển khai, mô hình đang cho thấy tín hiệu tích cực khi đàn gà nuôi thích ứng được với điều kiện khí hậu địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm dịch bệnh. Ông Võ Thành Quang (trú thôn Mỹ Thạnh Đông), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, ở trong xã, đây là giống gà tương đối mới, xuất xứ từ phía Bắc. Vậy nên khi đăng ký thực hiện, ông cũng có phần nghi ngại khả năng phù hợp của giống với thời tiết ở miền Trung.

Mặc dù vậy, qua theo dõi, ông Quang nhận thấy giống gà H’Mông có sức đề kháng rất tốt, khi chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật tỷ lệ hao hụt rất thấp so với các giống gà khác. Đến nay, đàn gà của gia đình ông đạt trọng lượng trung bình từ 1,3 – 1,5k/con, khoảng 1 tháng nữa có thể xuất chuồng. “Từ hiệu quả bước đầu này, thời gian đến, tôi sẽ đầu tư thêm chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi gà H’Mông để tăng thu nhập cho gia đình”, ông Quang chia sẻ.

ga-mong-den-02-1704335645.jpg
Ông Võ Thành Quang chăm sóc đàn gà H’Mông đặc sản.

Anh Phạm Thế Mỹ ở thôn Phú Thuận cũng khởi đầu mô hình nuôi gà H’Mông thương phẩm với số lượng 300 con gà giống. Là nhân công tại 1 trang trại nuôi heo, tận dụng phần đất trống của trang trại, anh Mỹ đăng ký tham gia mô hình nuôi gà H’Mông để có thêm chi phí trang trải trong gia đình.

“Với giá bán trung bình từ 120 - 140 nghìn đồng/kg gà H’Mông theo giá thị trường, đến giáp tết Nguyên đán đàn gà có thể xuất bán. Lợi nhuận từ đàn gà mang lại hứa hẹn sẽ cho gia đình tôi một cái Tết đủ đầy”, anh Mỹ phấn khởi cho biết.

Gà sống khỏe chất lượng sẽ tiếp tục nhân rộng

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa, gà H’Mông là giống gà có thân màu đen, lông đen, chân đen, mào đen, thịt đen νà xương cũng đen. Đây là giống gà rất dễ nuôi, có khả năng chống chịu tốt với môi trường và dịch bệnh. Cũng giống như các giống gia cầm khác, gà H’Mông ở giai đoạn gà con cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo nhiệt độ, giữ ấm cho gà.

Nguồn thức ăn của gà chủ yếu là lúa, bắp, cám, rau xanh, cỏ tự nhiên… sẵn có tại địa phương, giúp người dân giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Thịt gà H’Mông săn chắc, thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, vừa dùng làm thực phẩm, vừa sử dụng làm thuốc quý trong dân gian. Đây được xem là một trong những giống gà thương phẩm quý, được nhiều người ưa chuộng.

ga-mong-den-03-1704335721.jpg
Gà H’Mông là giống gà có thân màu đen. Lông đen, chân đen, mào đen, thịt đen νà xương cũng đen.

Ông Tôn Long Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, do năm đầu tiên thử nghiệm nên đơn vị đã lựa chọn những hộ gia đình có điều kiện về vật tư, nhân công, khu vực chăn thả để hỗ trợ. Qua theo dõi quá trình nuôi, giống gà này có tỷ lệ hao hụt rất thấp, khoảng 6%. Cùng với giá trị thương phẩm cao, bước đầu có thể thấy mô hình rất thành công.

Cũng theo ông Tôn Long Cần, từ hiệu quả bước đầu thực hiện đã cho thấy tiềm năng của mô hình nuôi gà H’Mông thương phẩm là rất lớn. Thời gian đến, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại các địa phương khác trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Qua đó, mở ra hướng chăn nuôi mới góp phần đa dạng mô hình sinh kế; xóa đói, giảm nghèo cho người dân./.

Bình Châu