WMO cảnh báo các hiểm họa liên quan đến nước đang gia tăng do biến đổi khí hậu

Ngày 5/10, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo các hiểm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán đang gia tăng do biến đổi khí hậu.
canh-bao-ma-do-doi-voi-nhan-loai-1633485681.jpg
Thiếu nước tiếp tục là nguyên nhân chính gây lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. (Ảnh Reuters)

Ngày 5/10, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo các hiểm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán đang gia tăng do biến đổi khí hậu. Số người bị căng thẳng về nước dự kiến sẽ tăng cao, trầm trọng hơn do dân số tăng và nguồn cung cấp ngày càng giảm. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát, dự báo và cảnh báo sớm còn rời rạc và thiếu chặt chẽ, còn các nỗ lực tài chính khí hậu toàn cầu là không đủ.
 
Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas, cho biết nhiệt độ tăng lên dẫn đến những thay đổi về lượng mưa trên toàn cầu và khu vực, tạo sự thay đổi về mô hình mưa và vụ mùa nông nghiệp gây tác động lớn đến an ninh lương thực, sức khỏe con người và thịnh vượng. Năm qua đã liên tiếp chứng kiến các sự kiện cực đoan liên quan đến nước. Trên khắp châu Á, lượng mưa cực lớn đã gây ra lũ lụt lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Nepal (Nê-pan), Pakistan (Pa-ki-xtan) và Ấn Độ. Hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng. Nhưng không chỉ ở các nước đang phát triển, lũ lụt đã dẫn đến sự gián đoạn lớn. Trận lũ lụt thảm khốc ở châu Âu đã dẫn đến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại trên diện rộng.
 
Thiếu nước tiếp tục là nguyên nhân chính gây lo ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi. Giáo sư Taalas cho hay hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nước uống và vệ sinh an toàn. Chúng ta cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng nước đang bùng phát.
 
Theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo Thực trạng Dịch vụ Khí hậu 2021, 3,6 tỷ người không được tiếp cận với nước ít nhất một tháng mỗi năm vào năm 2018. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người. Trong 20 năm qua, trữ lượng nước trên cạn - tổng lượng nước trên bề mặt đất và dưới bề mặt, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng - đã giảm với tốc độ 1cm mỗi năm. Những thiệt hại lớn nhất đang xảy ra ở Nam Cực và Greenland, nhưng nhiều địa điểm dân cư ở vĩ độ thấp hơn đang bị mất nước đáng kể ở những khu vực truyền thống cung cấp nước, với những ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước. Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do chỉ có 0,5% lượng nước trên Trái đất là nước ngọt có thể sử dụng được.
  
Các mối nguy liên quan đến nước đã gia tăng tần suất trong 20 năm qua. Kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập niên trước. Hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á, nơi hệ thống cảnh báo đầu cuối về lũ lụt ven sông cần được tăng cường.
 
Số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29% so với cùng kỳ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến hạn hán xảy ra ở châu Phi cho thấy sự cần thiết của các hệ thống cảnh báo đầu cuối mạnh mẽ hơn đối với hạn hán ở khu vực đó.
  
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là yếu tố quan trọng để đạt được phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường lâu dài. Tuy nhiên, bất chấp một số tiến bộ, 107 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên nước của họ vào năm 2030.
 
Nhìn chung, thế giới đang chậm tiến độ nghiêm trọng trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 của Liên hợp quốc (SDG 6) nhằm đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vào năm 2020, 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn, 2,3 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản và hơn 2 tỷ người sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nước uống an toàn.
 
75 quốc gia báo cáo mức hiệu quả sử dụng nước dưới mức trung bình, trong đó có 10 quốc gia có mức cực kỳ thấp. Tốc độ tiến bộ hiện tại cần phải tăng gấp bốn lần để đạt được các mục tiêu toàn cầu vào năm 2030.

Điều đáng mừng là các quốc gia đang quyết tâm cải thiện tình hình. Để giảm thiểu các thảm họa liên quan đến nước và hỗ trợ quản lý tài nguyên nước, cần có các dịch vụ khí hậu cho nước và hệ thống cảnh báo sớm đầu cuối, cũng như các khoản đầu tư bền vững. Những điều này vẫn chưa đầy đủ.
 
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chiến lược cho các nhà hoạch định chính sách nhằm cải thiện việc thực hiện hiệu quả các dịch vụ khí hậu đối với nước trên toàn thế giới như: Đầu tư vào quản lý tài nguyên tổng hợp nước như một giải pháp để quản lý tốt hơn tình trạng căng thẳng về nước; Đầu tư vào hệ thống cảnh báo hạn hán và lũ lụt sớm đầu cuối ở các nước có nguy cơ; Lấp đầy khoảng trống về năng lực trong việc thu thập dữ liệu cho các biến số thủy văn cơ bản làm nền tảng cho các dịch vụ khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm; Cải thiện sự tương tác giữa các bên liên quan ở cấp quốc gia để cùng phát triển và vận hành các dịch vụ khí hậu với những người sử dụng thông tin nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thích ứng trong lĩnh vực nước./.

Tố Uyên