Cần quy định lương và phụ cấp với cán bộ y tế cơ sở
Tham gia đóng góp vào hoàn thiện thêm nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội) cho rằng, câu chuyện chế độ, chính sách cho nhân viên y tế tuyến cơ sở rất cần thể hiện rõ nét và phù hợp với thực tế hơn nữa.
Trong phần kết quả đạt được, báo cáo nhận định: “Có nhiều văn bản quy định về chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên y tế”. Tuy nhiên, hiện chế độ tiền lương của nhân viên y tế đang được áp dụng từ năm 2004, tức là đã gần 20 năm. Chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản khác cũng đều đã hơn 10 năm. “Như vậy, đây không phải kết quả đạt được, mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến cơ sở” ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nhưng thời gian áp dụng cũng chỉ đến hết năm 2023. Chỉ rõ điều này, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà đề nghị, cần đưa nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào những công việc cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Cần cơ chế tài chính bảo đảm duy trì thường xuyên
Đối với công tác chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở, Báo cáo xác định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã giảm từ 19,8% (năm 2017), xuống còn 14,6% (năm 2022) là do hạn chế về năng lực của trạm y tế xã trong thực hiện các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật.
Đồng tình với nhận định này, song ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, thực tế còn nhiều nguyên nhân khác nữa như: một số quy định về phê duyệt danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa, phụ thuộc vào chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khiến phạm vi hoạt động chuyên môn tại trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa, bệnh ban đầu của người dân… “Đơn cử như Thông tư 20 năm 2022 đã mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế xã nhưng do quy định về tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế nên mức chi trả cho một đơn thuốc điều trị cùng một loại bệnh tại trạm y tế rất thấp so với các tuyến thành phố, tuyến trung ương và đó cũng là lý do người bệnh luôn muốn được chuyển lên các tuyến trên” - ĐBQH Trần Thị Nhị Hà chỉ rõ.
Liên quan đến câu chuyện tự chủ tại tuyến y tế cơ sở, báo cáo đánh giá: “cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho tuyến y tế cơ sở đã từng bước phát huy tính chủ động của các đơn vị”. Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà dẫn chứng, hiện nay, Nghị định 60 năm 2021 quy định chung về tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi y tế là một lĩnh vực đặc thù. Vì vậy, việc áp dụng Nghị định 60 cho ngành Y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Trong khi đó, đối với y tế cơ sở - tuyến phải thực hiện nhiều nhiệm vụ y tế cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh nhưng hiện nay thường chỉ bảo đảm được phần nhỏ chi thường xuyên. Phần kinh phí chưa tự chủ được đều do ngân sách cấp bổ sung. Trên thực tế, một đơn vị bảo đảm 20% chi thường xuyên hay đơn vị bảo đảm 80% chi thường xuyên đều được ngân sách nhà nước cấp bù, cơ chế là giống nhau. Bảo đảm được 80% không có lợi thế gì hơn so với bảo đảm tài chính 20%, dẫn đến chưa thúc đẩy được các đơn vị chủ động nâng mức tự chủ.
Bên cạnh đó, năm 2012, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nhưng hiện nay đã hết hiệu lực nên rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng phân loại các mức tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ.
Ngoài ra, có một thực trạng là tại tuyến y tế cơ sở, việc thu hút người dân đến khám còn rất khó khăn, dẫn đến trạm y tế xã không có nguồn thu, và không thể thu hút được bác sĩ có trình độ chuyên môn. Cơ chế đặt hàng dịch vụ công, giao nhiệm vụ gắn với việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế dự phòng vẫn chưa triển khai được…
Do đó, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên cho đơn vị. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Về tổng thể, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà đề nghị, cần có thêm những đánh giá về hiệu quả thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/12/2016. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án đầu tư cho trạm y tế xã, với mục tiêu đến năm 2030 các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn khu vực, theo bán kính phục vụ bảo đảm tính căn cơ, lâu dài.