Trên 1.000ha lúa thiếu nước vì hạn mặn, Sóc Trăng khẩn trương ứng cứu

Thời điểm này tình trạng hạn mặn vẫn diễn ra gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL. Tại Sóc Trăng, theo thống kê của ngành nông nghiệp có trên 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Ngoài nỗ lực bảo vệ diện tích lúa, ngành chức năng của tỉnh cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ hàng nghìn ha cây ăn trái.
han-man-soc-trang-03-1711673248.jpg
Những rãnh dẫn nước ngọt giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng trữ nước ngọt cung cấp cho diện tích dưa hấu trong mùa khô. (Ảnh minh họa)

Trên 1.000 ha lúa thiếu nước vì hạn mặn

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có vị trí địa lý giáp biển nên hằng nằm vào mùa khô thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các vùng có nguy cơ cao như, huyện Trần Đề, huyện Long Phú và huyện Kế Sách (không có cống ngăn mặn). Các vùng còn lại có đê bao và cống ngăn mặn, trữ ngọt nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như: Huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú, huyện Cù Lao Dung và thành phố Sóc Trăng.

Hạn mặn xâm nhập đã gây ảnh hưởng và thiệt hại đến vùng sản xuất của người dân tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh này, đến nay đã có hơn 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt. Hiện nay công tác ứng phó đang được ngành chuyên môn và nông dân chủ động triển khai khẩn trương, nhằm giảm thiểu rủi ro thiệt hại đến sản xuất trong mùa khô năm nay.

han-man-soc-trang-01-1711673288.jpg
Nhiều diện tích lúa ở Sóc Trăng thiếu nước ngọt bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn. (Ảnh minh họa)

Trong tháng 3 này, độ mặn tại các địa phương của huyện Cù Lao Dung, như xã An Thạnh 1, An Thạnh Tây, thị Trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh Đông, An Thạnh 2, Đại Ân 1 luôn thường trực ở mức trên 4.0g/l. Với việc độ mặn cao nên các cống, như cống An Trung (xã Anh Thạnh 1), cống Rạch Tráng (xã An Thạnh Đông) và cống Sáu Tùng, cống Sáu Thử 1 (xã Đại Ân 1) đều đã được đóng kín. Việc lấy nước ngọt vào là rất khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) Huỳnh Quốc Lâm, địa phương nằm ven sông Hậu, trực tiếp chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập; trong những ngày đầu tháng 2/2024 đến nay, độ mặn cao nhất đo được tại bến phà Đại Ân (phà từ huyện Long Phú qua Cù Lao Dung) lên tới 12g/l (12 ‰). Hiện toàn huyện có trên 30 cống ngăn mặn; trong đó, 14 cống cỡ lớn và 16 cống cỡ nhỏ. Tất cả đều được đóng kín nhằm tránh tình trạng mặn xâm nhập vào nội đồng.

Đối với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin, những ngày qua độ mặn trên 4‰ luôn thường trực ở các xã như: An Thạnh Nam, An Thạnh Ba, An Thanh Nhì, Đại Ân 1. UBND huyện đã hướng dẫn các nhà vườn tích trữ nước ngọt trong các ao mương, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho các cây trồng; riêng với cây mía, những diện tích đã thu hoạch xong, UBND huyện khuyến cáo nông dân chỉ bắt đầu trồng vụ mới vào giữa tháng 4/2024 khi bắt đầu có mưa đầu mùa….

Tìm giải pháp trữ nước bảo vệ vườn cây ăn trái

Theo ông Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện là địa phương sản xuất nông nghiệp nằm giáp biển Đông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là mặn xâm nhập. Huyện hiện có 26 cống ngăn mặn cỡ lớn, 200 cống ngăn mặn cỡ nhỏ và trên 80km đê bao, cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng phó mặn xâm nhập.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền, hướng dẫn từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngành chức năng thực hiện tốt dự báo tình hình mặn xâm nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng ; theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông, rạch để vận hành hệ thống cống để người dân chủ động trữ nước tưới phục vụ sản xuất.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh An, địa phương đang vận động người dân chủ động đắp gia cố các bờ bao cục bộ, nạo vét hệ thống kênh nội đồng để ngăn mặn trữ ngọt; ngành chức năng khảo sát kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị xuống cấp, đắp đập ngăn mặn,...

han-man-soc-trang-04-1711673216.jpg
Nông dân Sóc Trăng trữ nước chủ động cung cấp nước ngọt cho vườn cây ăn trái ứng phó với hạn, mặn xâm nhập. (Ảnh minh họa)

Anh Ong Minh Thường - một nhà vườn ở thị trấn Cù Lao Dung cho biết, nhờ chủ động ứng phó ngay từ đầu nên 5ha vườn bưởi Năm Roi và Da Xanh của gia đình vẫn đang tươi tốt. Để bảo vệ cây trồng vượt qua giai đoạn hạn mặn này, ngoài trữ nước ngọt trong mương vườn, anh còn sử dụng mạch nước ngầm và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để tưới cho cây trồng trong giai đoạn hạn mặn gay gắt này. Bên cạnh đó anh sử dụng vôi để hạ phèn, cách làm này, giúp cây tránh bị ngộ độc vì nắng nóng kéo dài.

“Muốn giữ nguồn nước để tưới, nên mình chỉ tưới định kỳ. Ví dụ 2-3 ngày mình thấy cây lá xèo xèo mới phải tưới, khi cây ổn định mình sử dụng vôi rải”, anh Ong Minh Thường cho biết:

Qua tuyên truyền của ngành nông nghiệp về hạn mặn và tác động của mùa khô năm nay, anh Nguyễn Phước Thiện ở Xã Thới An Hội, huyện Kế Sách cũng đã gia cố các ao trong vườn để trữ nước ngọt. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống tưới phun để tiết kiệm nước, nhờ vậy mà vườn cây của anh vẫn phát triển tốt. “Tưới bằng cách này thì cứ 3-4 ngày mới phải tưới, vừa tiết kiệm được thời gian, lượng nước tưới được trữ trong mùa hạn sẽ dài hơn”, anh Thiện cho hay.

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách cho biết thêm, hiện nay Kế Sách có khoảng 1.000ha áp dụng tưới tiết kiệm trong vườn cây, kể cả bình thường cũng tưới tiết kiệm không riêng chỉ ở giai đoạn hạn mặn. Đối với nước sinh hoạt cho người dân kể cả hạn mặn 2 đợt được xem là gay gắt nhất cũng luôn được đảm bảo phục vụ cho dân sinh.

han-man-soc-trang-02-1711673499.jpg
Các ngành, địa phương tỉnh Sóc Trăng tăng cường các biện pháp lấy nước ngọt hạn chế tác động của hạn mặn. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, các cống đầu nguồn ở tỉnh Sóc Trăng độ mặn đang rất cao, việc lấy nước cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp cử cán bộ trực xuyên suốt tại các cống để giám sát độ mặn, khi thích hợp sẽ lấy nước vào. Bên cạnh đó, công tác thủy lợi nội đồng được thực hiện từ đầu năm, đặc biệt là khu vực phía Nam sông Hậu.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Đông Xuân muộn toàn tỉnh xuống giống hơn 41.000 ha. Hiện đã có hơn 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu, khô hạn gây thiếu nước tưới kết hợp ngộ độc phèn, trong đó có gần 40 ha bị thiệt hại trên 70%. Những diện tích này tập trung chủ yếu ở huyện Long Phú và Trần Đề. Đây là diện tích nằm trong số 6.000 ha mà bà con xuống giống ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp.

Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập gay gắt, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra thực tế để chỉ đạo hướng giải quyết, giúp giảm tối đa thiệt hại cho bà con. Các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi; đồng thời khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt./.

Bình Nguyên