Giá xăng có thể tăng nhẹ vào ngày mai?

Trước xu hướng tăng giá của thị trường xăng dầu thế giới, trong kỳ điều hành ngày mai (21/2), dự báo giá xăng trong nước sau khi điều chỉnh có thể tăng nhẹ, còn giá dầu tiếp tục giảm.

Đầu ngày 20/2, trên thị trường thế giới, giá dầu Brent giao dịch ở mức 83,12 USD/thùng, tăng nhẹ 0,1%; dầu WT giao dịch mức 76,49 USD/thùng, tăng 0,2%.

Theo cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến ngày 17/2 cho thấy, xăng RON95 là 97,23 USD/thùng, xăng E5 RON92 93,67 USD/thùng, dầu diesel 99,68 USD/thùng, dầu hỏa 102,19 USD/thùng, dầu mazut 420,08 USD/thùng.

Với bảng giá nhập khẩu như trên, giá xăng trong nước đang cao hơn giá nhập khoảng 200 đồng/lít, dầu diesel thấp hơn 500 đồng/lít. Theo đó, một số dự báo cho thấy, giá bán lẻ tại kỳ điều hành tới (21/2) sẽ tăng giảm mức tương đương.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/2 cho biết, bình quân giá xăng RON 92 dùng để điều chế xăng E5 RON 92 là 98,01 USD/thùng, RON 95 là 101,26 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu hỏa, dầu diesel có xu hướng giảm.

gia-xang-dau-9850-1642671837-860x0-1676882223.jpg

Ảnh minh họa.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng có thể sẽ tăng nhẹ, trong khi giá dầu tiếp tục giảm. Mức tăng phụ thuộc nhiều vào trích lập quỹ bình ổn, nhưng có thể tăng quanh mức 200 đồng/lít với xăng và giảm khoảng 500 đồng với dầu. Trường hợp dự báo này chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ ba liên tiếp.

Hiện giá xăng trên thị trường đang giao dịch mức 22.860 đồng/lít với E5 RON92 và 23.760 đồng/lít với RON95. Dầu diesel giá 21.560 đồng/lít, dầu hỏa giá 21.594 đồng/lít và dầu mazut bán ra là 13.636 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành giá ngày 13/2, cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời ngừng trích lập quỹ với xăng và trích lập 600 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất; lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc…

Thi Nguyên (t/h)