Tại thị trường Singapore, giá dầu Brent giảm 5 xu Mỹ (0,1%) xuống 83,37 USD/thùng vào lúc 13 giờ 22 phút (giờ Việt Nam), qua đó kéo dài đà giảm 23 xu Mỹ trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 6 xu Mỹ xuống 80,58 USD/thùng sau khi tăng 12 xu Mỹ trong phiên trước đó.
Giá hợp đồng của cả hai loại dầu trên đều giảm sau khi giảm tới 70 xu Mỹ vào đầu phiên giao dịch khi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố nhập khẩu tháng Chín giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Trung Quốc cùng với châu Âu và Ấn Độ, vẫn trong tình trạng thiếu than và khí đốt tự nhiên, qua đó đẩy giá nhiên liệu sản xuất điện tăng cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/10 hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của Mỹ và các cường quốc công nghiệp khác, do lo ngại tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và sức ép lạm phát làm hạn chế sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Trong khi đó, việc đồng USD giao dịch gần mức cao nhất một năm qua cũng ảnh hưởng đến giá dầu, khi đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ trở nên “đắt đỏ” hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Tuy nhiên, giới quan sát thị trường dầu mỏ đang tập trung vào việc liệu giá than và khí đốt tăng cao có làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ được dùng để sản xuất điện hay không.
Các nhà đầu tư cũng đang đợi chờ thông báo về dự trữ dầu mỏ của Mỹ, vốn bị trì hoãn một ngày do kỳ nghỉ lễ Ngày Columbus (ngày 12/10). Giới chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters ước tính dự trữ dầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 8/10 tăng 100.000 thùng, ghi dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên chiều 13/10
13/10/2021 18:35:28
Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên chiều 13/10, do thị trường lo ngại đà tăng nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc giá nhiên liệu sản xuất điện như than và khí đốt tăng cao đã hạn chế mức sụt giảm này.