Giá cà phê ngày 12/6: Giá cà phê trong nước "tiến" sát mốc 65.000 đồng/kg

Hôm nay 12/6, giá cà phê trong nước dao động từ 64.100 – 64.900 đồng/kg. Nhìn lại tuần qua, giá cà phê tuần qua bất ngờ liên tục tăng mạnh với biên độ lớn ở cả thị trường trong nước và thế giới.

Giá cà phê trong nước hôm nay

Giá cà phê hôm nay ở thị trường trong nước dao động từ 64.100 – 64.900 đồng/kg, tăng từ 3.400 – 3.600 đồng/kg so với cùng kỳ tuần trước.

Cụ thể, giá cà phê thu mua cao nhất hôm nay được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông là 64.900 đồng/kg;

Tại tỉnh Gia Lai, các thương lái đang thu mua cà phê với mức 64.500 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, trung bình giá cà phê là 64.100 đồng/kg.

ca-phe-1686534541.jpg
Ảnh minh họa.

Tuần qua, giá cà phê thế giới tăng mạnh

Tương tự, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London (Anh) có một tuần tăng giá kỷ lục. Giá cà phê Robusta đã đạt mốc kỷ lục trong hơn 15 năm qua (đã giảm trừ lạm phát, trượt giá), thời điểm cao nhất đã lên tới 2.760 USD/tấn

Giá cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ) cũng có một tuần tăng giá thuận lợi. Đến cuối tuần qua (10/6), giá cà phê Arabica ở kỳ hạn giao hàng tháng 07/2023 đạt mức 190,65 cent/lb, khối lượng giao dịch rất mạnh.

Theo các chuyên gia, giá cà phê tăng mạnh bởi những lý do chính gồm: Khan hiếm nguồn cung Robusta trên toàn cầu. Dự báo, nguồn cung Robusta năm 2023 sẽ giảm khoảng 10 – 15% so với năm 2022. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán gia tăng có thể khiến năng suất cà phê niên vụ 2023 – 2024 của Việt Nam và Indonesia giảm (Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, Indonesia là một quốc gia xuất khẩu cà phê lớn), điều này khiến giá cà phê thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng và lập đỉnh mới.

Xu hướng cà phê tăng giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng người dân mở rộng vùng trồng. VICOFA cũng cảnh báo, theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm cà phê xuất xứ từ vùng rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 30/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam hiện xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì vậy, việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, VICOFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.

Ánh Dương (t/h)