Cô gái ở cao nguyên Đà Lạt với đam mê “săn” những nông sản độc lạ

Các sản phẩm tại HTX Vườn nhà Đà Lạt nói không với chất bảo quản, nói không với thuốc trừ sâu, nói không với thuốc kích thích tăng trưởng thực vật...
vuon-da-lat2-1686192417.jpg
Cải thảo tím (kim hồng thảo) có màu sắc bắt mắt được trồng tại HTX Vườn nhà Đà Lạt.

Chọn nông nghiệp để khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn xã Thọ Xuân, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngay từ thủa bé, chị Lương Thị Yến Vân đã nung nấu trong mình ý tưởng sẽ có một vườn rau xanh của gia đình để thỏa ước mong được chăm sóc, gần gũi với thiên nhiên.

Đặc biệt, vườn rau xanh này được trồng theo phương thức thân thiện với môi trường sẽ tạo ra sản phẩm sạch đầy đủ dưỡng chất, an toàn phụ vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Đến khi hoa trái trong vườn nhà ngày một nhiều hơn, gia đình dùng không hết, chị Lương Thị Yến Vân đã nảy ra ý định cần thành lập một tổ chức sản xuất rau xanh để tận dụng và phát huy được hết giá trị của khu vườn đang lớn lên từng ngày.

vuon-da-lat10-1686192437.jpg
Chị Lương Thị Yến Vân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp Vườn nhà Đà Lạt.

Đầu năm 2019, chị Lương Thị Yến Vân cùng cộng sự đã đến thuyết phục các hộ dân ở TP Đà Lạt và trong tỉnh Lâm Đồng để hợp tác, liên kết mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến tháng 10/2019, chị Vân quyết định thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Vườn nhà Đà Lạt (sau gọi tắt là HTX Vườn nhà Đà Lạt) ở thôn Xuân Thành, xã Thọ Xuân, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do mình làm Giám đốc.

“Tuổi thơ của tôi gắn liền với những vườn rau của ba mẹ, nơi đã giúp tôi ăn học thành người. Từ đó, tình yêu dành cho cây trái, công việc làm vườn đã thôi thúc trong tôi ngay từ thời thơ ấu. Dù tôi học kế toán nhưng khi ra trường, tôi quyết định về làm vườn với ba mẹ.

Được nuôi dưỡng với ruộng vườn ngay từ những ngày đầu, tôi đã xác định không trồng theo cách truyền thống như ba mẹ ngày trước là đơn thuần trồng sú, cà rốt, cà chua... Niềm đam mê tìm hiểu và trồng những giống mới, có giá trị dinh dưỡng cao, những giống ít người trồng chính là những điều mà tôi muốn hướng đến phát triển. Và đó chính là sự ra đời của HTX Vườn nhà Đà Lạt bây giờ”, chị Vân chia sẻ.

vuon-da-lat12-1686192459.jpg
Các hộ dân liên kết sản xuất với Vườn nhà Đà Lạt chăm sóc bí.

Chị Lương Thị Yến Vân chia sẻ, từ bao lâu nay nhu cầu về rau, củ, quả sạch luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ cho các bữa ăn. Đặc biệt, sản phẩm rau, củ, quả sạch đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng sẽ giúp cho bữa ăn trở nên ngon miệng và nâng cao giá trị sức khỏe cho con người.

“Các sản phẩm của chúng tôi nói không với chất bảo quản, nói không với thuốc trừ sâu, nói không với thuốc kích thích tăng trưởng thực vật và được trồng hoàn toàn tại những khu vườn có đất sạch và nguồn nước sạch đảm bảo an toàn cho những mặt hàng nông sản. Bởi chúng tôi luôn đặt tâm huyết vào quy trình canh tác tạo ra sản phẩm sạch, tươi ngon, bổ dưỡng ngay từ khâu chuẩn bị hạt giống cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, chị Lương Thị Yến Vân cam kết.

“Săn” nông sản độc lạ

Vườn nhà Đà Lạt được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ nông sản TP Đà Lạt, vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà nên việc trồng trọt trở rất thuận lợi. Tuy nhiên, điểm khác với cách làm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp khác tại đây, hướng phát triển của chị Lương Thị Yến Vân thiên về các loại rau, củ, quả có tính độc lạ…

Cứ ở đâu có cây giống độc lạ là chị lại tìm hiểu và “săn” cho bằng được. Vì thế mà Vườn nhà Đà Lạt hiện nay gồm các loại rau, củ, quả có thiên hướng giống lạ như bông cải nhiều màu, lơ san hô, cà rốt cầu vồng, ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, ớt móng tay, bí sợi mì… Các sản phẩm này luôn “hút” người tiêu dùng.

vuon-da-lat6-1686192484.jpg
Bí sợi mì là một trong những nông sản độc lạ tại Vườn nhà Đà Lạt.

Đơn cử như bí sợi mì được trồng tại HTX Vườn nhà Đà Lạt gây sự chú ý, tò mò của người tiêu dùng thời gian gần đây bởi sự độc lạ của chúng.

Chị Vân cho biết, bí sợ mì có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sau khi, đưa về trồng thử nghiệm, đến nay cây đã cho thu hoạch quả và sản phẩm không có đủ để cung cấp cho thị trường.

“Bí sợi mì thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt nên cây sinh trưởng nhanh, cho trái đẹp, đặc biệt khi nấu chín có vị ngọt và mùi rất thơm. Toàn bộ diện tích bí được trồng trong các nhà kính, sử dụng 100% phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học”, chị Vân cho hay.

vuon-da-lat15-1686192515.jpg
Những sản phẩm tại Vườn nhà Đạt Lạt có màu sắc rực rỡ.

Chị Vân cho biết, bí sợi mì thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt nên cây sinh trưởng nhanh. Để trồng bí sợi mì mang lại hiệu quả, các nhân công đã tiến hành trồng theo luống dài với hệ thống giàn lưới vuông góc với nền vườn. Toàn bộ hệ thống tưới tiêu đều ứng dụng công nghệ tự động. Đến nay, HTX đã liên kết với các hộ dân, phát triển mô hình với tổng diện tích 1,7ha.

vuon-da-lat5-1686192542.jpg
Cà rốt baby
vuon-da-lat18-1686192558.jpg
Ớt ngọt Sweet Palermo

“Ở các vườn bí sợi mì, chủ mô hình tổ chức lắp đặt các loại bẫy, bả để diệt côn trùng, sâu gây hại. Ngoài ra, các loài thiên địch tự nhiên cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo vệ cây trồng. Hiện chúng tôi mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg bí sợi mì. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được bán theo hợp đồng, chưa bán rộng rãi được ra ngoài. Trọng lượng mỗi quả đạt từ 1 - 1,5 kg, mỗi quả bí được bán với giá từ 120 - 150 nghìn đồng/quả”, chị Vân nói thêm.

Chị Vân cho biết, hiện toàn bộ quy trình canh tác tại HTX Vườn nhà Đà Lạt đều được ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGap và hướng theo hữu cơ.

vuon-da-lat11-1686192585.jpg
Hệ thống tưới nước tự động tại Vườn nhà Đà Lạt.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt Lương Thị Yến Vân cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản của HTX được đưa lên hàng đầu. Tất cả các quy trình canh tác, liên kết sản xuất với các hộ dân đều phải tuân thủ theo quy định. HTX liên kết các thành viên bằng kế hoạch sản xuất cụ thể, chịu trách nhiệm cung ứng giống, kế hoạch xuống giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao của người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, HTX cũng đang hướng đến sản xuất tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn so với hiện tại.

“Hiện nay, sản phẩm của HTX mới chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap. Chúng tôi đang quy hoạch khoảng 1ha đất để sản xuất và có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam”, chị Vân thổ lộ.

vuon-da-lat-cu-nguu-bang-1686192614.jpg
Chị Lương Thị Yến Vân khoe đào củ ngưu bàng tại Vườn nhà Đà Lạt.

Chi Vân chia sẻ, bà con nông dân vẫn có thói quen canh tác truyền thồng, lạm dụng các chất hóa học. Tuy nhiên, khi bà con vào HTX thì mình hướng dẫn cho họ kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, không cho bà con sử dụng phân, thuốc hóa học nữa.

“Lúc đầu gặp nhiều khó khăn vì do thói quen, tập quán canh tác. Dần dần, bà con nông dân cũng nhận thức ra sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo sức khỏe, không độc hại, không có mùi hôi. Từ đó, người dân tự động dần dần chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Bây giờ phấn đấu làm hữu cơ tôi nghĩ HTX cũng sẽ thành công”, chị Vân bộc bạch.

Với sự nhanh nhạy của mình, ngoài bán hàng theo hợp đồng, bán hàng online, sản phẩm của Vườn nhà Đà Lạt còn được giới thiệu, quảng bá trên kênh Tiktok Món là vườn nhà của HTX đã có gần 200 nghìn lượt theo dõi và 1,6 triệu lượt thích. Ngoài ra, chị Vân còn đang hướng đến phát triển du lịch canh nông, để khách trải nghiệm hái rau, trái tại vườn.