Gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu-Covid” Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) do phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức.

Trình bày báo cáo tại diễn đàn, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS cho biết, trong 30 năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình khoảng 6,6%/năm. Tuy nhiên, tốc độ này đang có xu hướng giảm dần. Nếu như sau Đổi mới, tăng trưởng trung bình khoảng 7,6% thì 10 năm sau giảm còn 6,6% và 10 năm gần đây còn khoảng 5,6%.

Quy mô nền kinh tế theo GDP năm 2021 là 363 tỷ USD, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đạt bình quân gần 3.700 USD theo giá hiện hành, cao gấp 2,4 lần so với 2011. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu là hiện hữu. GDP/người (PPP) năm 2021 của Việt Nam bằng 17% của Mỹ, 25% của Nhật Bản và Hàn Quốc, 40% Malaysia... “Nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại, Việt Nam sẽ mất hơn 3 thập kỷ nữa mới đuổi kịp họ”, ông Thế Anh dự báo. Điều này hàm ý, muốn đuổi kịp các nước có thu nhập cao hơn, chúng ta buộc phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tuy vậy, xu hướng tăng trưởng giảm đang là thách thức rất lớn.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, nền kinh tế nước ta có những ưu điểm như lạm phát kiềm chế ở mức một con số, cán cân thương mại liên tục thặng dư từ 2016; đầu tư nước ngoài tương đối ổn định khi giải ngân những năm gần đây xấp xỉ 20 tỷ USD, gấp đôi 10 năm trước, kéo theo dự trữ ngoại hối cải thiện đáng kể khi tăng 10 lần.

316667264-444541841183593-1064633506450037804-n-1669368951.jpg
Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển 2022 với chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu-Covid”.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức. Thách thức đầu tiên và đáng chú ý, theo ông Phạm Thế Anh, là gánh nặng nợ công tăng nhanh, “có nguy cơ gây bất ổn trong thập kỷ tới nếu tiến hành các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư khổng lồ như đường sắt cao tốc Bắc Nam hay các dự án lớn khác. Điều này làm tiêu tốn quá nhiều nguồn lực quốc gia mà cân bằng tài khóa chưa đạt”.

So với năm 2010, nợ công đã tăng 3,2 lần, từ 1.144 nghìn tỷ đồng lên 3.655 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng nợ công là 11,3%/năm, cao hơn nhiều tăng trưởng kinh tế. Nếu tính theo GDP thì nợ công giảm dần bởi GDP được điều chỉnh. Nếu so với quy mô thu ngân sách, nợ công không giảm. Năm 2014 - 2015 khoảng 2,64 lần, sau đó giảm nhẹ nhưng đến năm 2021 tăng lên 2,67 lần, theo mô hình chữ U. Đặc biệt quy mô nợ công càng lớn thì nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi hằng năm tăng nhanh. Trước đây con số này chỉ chiếm 12 - 13% thu ngân sách nhưng 2 - 3 năm gần đây tăng lên 21 - 22% thu ngân sách, tức hàng năm dành khoảng 1/5 số thu ngân sách để chi trả cho nghĩa vụ nợ. Trong ASEAN-5, Việt Nam có tỷ lệ nợ công/GDP khá cao, ngoại trừ Malaysia.

Cũng theo ông Thế Anh, một thước đo nữa phản ánh rủi ro với hệ thống tài chính công của Việt Nam là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, không bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh thì nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách đang tăng nhanh, từ 13,8% năm 2015 tăng lên một vài năm nay vào khoảng trên 20%, tức mỗi năm dành hơn ¼ thu ngân sách chỉ dành cho thực hiện nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.

Do đó, mục tiêu cao nhất của chính sách tài khóa vẫn phải là đảm bảo tính bền vững của nợ công với các biện pháp đi kèm như ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế, kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách, cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển, thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới. Thêm vào đó, chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.

Hương Lan (t/h)