Tám tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Pháp đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973 và năm 2013, Việt Nam-Pháp ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023).
Đặc biệt, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Vì vậy, việc tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kỳ vọng sẽ đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới.
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.
Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi đáng kể đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 5,334 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đạt 3,697 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu đạt 1,636 tỷ USD, tăng 2,8%.
Đáng lưu ý, năm 2023, do ảnh hưởng lạm phát và kinh khó khăn tại thị trường Pháp ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 4,807 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 3,173 tỷ USD, giảm 14,2% và nhập khẩu đạt 1,634 tỷ USD, giảm 0,1% so với năm 2022.
Riêng 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thủy sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan…
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn; trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao.
Nhận định từ các chuyên gia, kể từ khi thiết lập quan hệ song phương, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Pháp.
Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết 2021 là năm đầu tiên Thương vụ khai thông thị trường hoa quả tươi Việt Nam vào Pháp, nhất là quả vải, nhãn tươi. Cùng năm, dưới sự hỗ trợ của Thương vụ, sản phẩm hoa quả đóng hộp cũng lần đầu tiên thâm nhập vào hệ thống siêu thị tại Pháp.
Tiếp đến, năm 2022, bằng việc đổi mới cách tiếp cận, quảng bá, lần đầu tiên, sản phẩm gạo Việt Nam cũng đã hiện diện trên kệ của các đại siêu thị Pháp. Năm 2023 là bản lề để Thương vụ tiếp tục triển khai các hoạt động sâu và rộng hướng tới Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài với hàng loạt Tuần hàng được tổ chức tại những đại siêu thị lớn nhất tại Pháp.
Cụ thể như Tuần hàng Tết Nguyên đán Việt Nam tại hệ thống phân phối Carrefour, Tuần hàng Tết Trung Thu Việt Nam tại hệ thống phân phối E.Leclerc, Tuần hàng giới thiệu gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên tại Pháp...
Trong năm 2024, Thương vụ đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một chương trình tổng thể quảng bá xúc tiến trái vải Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp tổ chức tại hệ thống siêu thị Carrefour (Pháp), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng đây chính là “viên gạch đầu tiên cho cầu nối quan trọng, đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng Pháp” và “Carrefour không đơn thuần là kênh phân phối hàng hóa đa dạng mà còn là kênh lan tỏa văn hóa ẩm thực, hương vị Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Tuần hàng Việt Nam tại Pháp không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với hàng hóa Việt Nam mà còn mở đường để Carrefour phát triển phân khúc thị trường rất tiềm năng, dành cho người tiêu dùng Pháp ưa chuộng sản phẩm châu Á.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin khai thác lợi thế
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và khai thác thị trường Pháp đạt hiệu quả, Cổng thông tin về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) đã cung cấp những điều cần biết cho doanh nghiệp về thị trường Pháp.
Cổng FTAP cung cấp những thông tin chung nhất về thị trường Pháp, bao gồm thông tin cơ bản về thị trường Pháp (vị trí, quy mô diện tích và dân số; các địa bàn hành chính; trung tâm đô thị lớn của Pháp…); tình hình thương mại xuất nhập khẩu song phương giữa Pháp và Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cổng FTAP còn cung cấp những địa chỉ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với các đối tác Pháp như đầu mối Thương vụ Việt Nam tại Pháp; Cơ quan hải quan Pháp và các cơ quan hải quan địa phương của Pháp. Đặc biệt, cung cấp những thông tin chung nhất về FTA hiện đang có hiệu lực giữa Việt Nam và Pháp là Hiệp định EVFTA với những cam kết chủ yếu về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.
Ngoài ra, Cổng FTAP cũng cung cấp đầy đủ thông tin quy định cụ thể của Pháp cũng như quy định chung của EU áp dụng với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Pháp.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, tiềm năng, dư địa thị trường Pháp vẫn còn rất lớn nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp đòi hỏi các chiến lược toàn diện và bài bản từ phía Việt Nam. Pháp không chỉ là một thị trường có nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn có tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội.
Để tăng cường xuất khẩu sang Pháp, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của EU là vô cùng cần thiết. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường của EU. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Pháp mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Song song với việc tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhà cung cấp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng hàng hóa để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.
Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm... Mặt khác, trang bị đầy đủ thông tin về các quy định và lợi ích mà hiệp định EVFTA mang lại để có thể tối ưu hóa lợi thế này, từ đó thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pháp.
Thương vụ sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm, khai thông thị trường; thúc đẩy xuất khẩu một số nhóm hàng nông, thủy sản tiềm năng của Việt Nam cũng như tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo...
Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; trong đó ưu tiên kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp; tăng cường cải cách hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp châu Âu nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng./.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào ngày 6 và 7/10/2024. Đây là chặng dừng chân cuối trong chuyến thăm và công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/2024.
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực thời gian qua. Chuyến thăm nhằm thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực.