Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ thiên nhiên ở Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương không chỉ là một kho báu về đa dạng sinh học mà còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ thiên nhiên tại đây không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.
vuon-quoc-gia-cuc-phuong-1-1728054371.jpg
Vườn quốc gia Cúc Phương được ví như kho báu của tự nhiên.

Kho báu của tự nhiên

Vườn quốc gia Cúc Phương được ví như một viên ngọc xanh giữa lòng dãy núi Tam Điệp, là một trong những khu rừng nguyên sinh còn sót lại lớn nhất Đông Nam Á. Với độ đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam, Cúc Phương là ngôi nhà chung của hàng ngàn loài thực vật, động vật quý hiếm, nơi đây nổi tiếng với hệ thống hang động kỳ bí, trong đó có động Người Xưa - một di sản văn hóa độc đáo.

Rừng quốc gia Cúc Phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Nơi đây có tới 2234 loài thực vật bậc cao và rêu, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú, 336 loài chim cư trú. Trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ, đây là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thiên nhiên.

Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, nơi đây có thời tiết mát mẻ, hệ sinh thái độc đáo, đặc biệt là loài voọc mông đen trắng. Trong khi đó, trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật sẽ là nơi du khách chứng kiến tận mắt nhiều loài linh trưởng. Đồng thời, bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị về các loài sinh vật.

Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm bảo tàng Cúc Phương. Đây là nơi trưng bày những mẫu sinh vật. Du khách có thể tìm hiểu thông tin về nhiều loài côn trùng ở đây. Nếu bạn yêu tự nhiên và hứng thú với sinh giới thì đây sẽ là địa điểm nên ghé thăm tại vườn quốc gia Cúc Phương.

vuon-quoc-gia-cuc-phuong-2-1728054493.jpg
Những năm qua, việc gìn giữ và khôi phục văn hóa người Mường luôn được xã Cúc Phương chú trọng (Ảnh TTVH)

Bên cạnh hệ sinh vật thì phong cảnh thiên nhiên là điểm nhấn không thể bỏ lỡ khi đến vườn quốc gia Cúc Phương. Ngắm trọn khung cảnh Cúc Phương, Tràng An, Bái Đính, tận hưởng khung cảnh yên bình trên hồ Yên Quang, khám phá những hang động tiền sử đầy bí ẩn sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho du khách. Đặc biệt, bản người Mường là nơi bạn có dịp tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của người Mường tại Cúc Phương.

Thế mạnh để khai thác du lịch cộng đồng

Tọa lạc trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, xã Cúc Phương như một viên ngọc quý ẩn mình giữa núi rừng. Với cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, người dân tộc Mường nơi đây đã gìn giữ và phát huy những nét văn hóa độc đáo, tạo nên một bức tranh sinh hoạt đầy màu sắc. Hàng năm thu hút từ 120-130 nghìn khách đến tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch, Cúc Phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường và đạt được nhiều kết quả trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường nơi đây.

vuon-quoc-gia-cuc-phuong-3-1728054742.jpg
Du lịch sinh Thái cộng động ở Cúc Phương luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

Đến nay, 85% người dân tộc Mường trong xã sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng; hơn 95% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, 10/10 thôn của xã Cúc Phương có đội văn nghệ, câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường, thường xuyên giao lưu với các hoạt động như: Giao duyên, Rằng xường, Bọ mẹng, Mo Mường; văn hóa ẩm thực cỗ lá; các trò chơi dân gian đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo...

Trong những năm gần đây, cộng đồng người Mường tại Cúc Phương đang nỗ lực gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Từ tiếng nói đến chữ viết luôn được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên. Qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, người Mường không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách. Tiếng cồng chiêng, điệu múa xòe, những câu hát giao duyên đã trở thành những âm thanh quen thuộc, níu chân du khách đến với Cúc Phương.

Từ những lợi thế sẵn có về thiên nhiên và thành quả của Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền xã Cúc Phương đã quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế. Thay vì tập trung vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, xã đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa Mường. Hướng đến xây dựng địa phương trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Trong đó, năm 2023, UBND xã Cúc Phương phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương xây dựng thôn Nga 1 làm điểm để phát triển du lịch cộng đồng. Thôn Nga 1 là thôn có 100% hộ là người dân tộc Mường và là nơi còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa, nếp sống của người dân tộc Mường nên khi mô hình phát triển du lịch cộng đồng đi vào hoạt động đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm.

Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Phát huy thế mạnh văn hóa, lấy văn hóa làm điểm tựa cũng là hướng đi lâu dài trong phát triển du lịch tại Cúc Phương. Trong thời gian qua, địa phương đã triển khai sưu tầm được một số lượng khá lớn cồng chiêng và các hiện vật văn hóa tiêu biểu, gắn bó với đời sống người Mường để chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Mường. Không gian văn hóa Mường không chỉ là nơi trưng bày mà còn lưu giữ những kỷ vật, vật dụng gắn bó với sinh hoạt, lao động sản xuất nhiều đời nay của người Mường”.

Cũng theo ông Xuân, Cúc Phương 3 năm liền được chọn làm địa điểm tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nho Quan và hội chợ thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó mang lại giá trị kinh tế bền vững cho địa phương, tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn và các khu vực lân cận.

Với việc phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, là địa phương từ sản xuất nông nghiệp thuần nông, đời sống có nhiều khó khăn, đến nay xã Cúc Phương có cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng đổi mới, ấm no, hạnh phúc. Xã Cúc Phương đã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Với những nỗ lực của chính quyền các cấp, cộng với sự đồng thuận của Nhân dân, Cúc Phương đang trên đà trở thành một điểm đến du lịch sinh thái văn hóa độc đáo. Phát triển du lịch sinh thái ở đây không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho người dân, mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển rừng./.

Hà Khải