Những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho ngành du lịch
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 (năm 2010), lên 33.330 cơ sở (năm 2023), với 667.000 buồng, phòng. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.
Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel (căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng), giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng, gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Phạm Văn Thủy, những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho ngành du lịch. Đặc biệt, đầu tư trong du lịch được ưu tiên với việc huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài, và các nguồn vốn xã hội hóa khác.
Hình thức đối tác công tư (PPP) trong đầu tư phát triển du lịch cũng được triển khai áp dụng, mang lại những hiệu quả tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch.
Việc các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư tạo nên những sản phẩm du lịch nổi trội, đẳng cấp quốc tế đã góp phần tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển cũng như có tác động lan tỏa, kích thích các ngành kinh tế xã hội khác phát triển theo.
Đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, đến nay đã có trên 1.000 dự án du lịch với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư trong nước đầu tư với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, trong đó chủ yếu là đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng ở ven biển, vùng núi với số vốn đầu tư lớn.
Các tập đoàn lớn trong nước đã xây dựng nhiều tổ hợp du lịch quy mô lớn tại Sa Pa, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Quốc... góp phần đáng kể nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất du lịch.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều dự án của một số nhà đầu tư chiến lược với vốn đầu tư khá lớn như: Vinpearl Phú Quốc (17 nghìn tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10 nghìn tỷ đồng); Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), Vinpearl Hạ Long (1.200 tỷ đồng), cáp treo Bà Nà (hơn 6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa - Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng), cáp treo Bãi Cháy (hơn 5.000 tỷ đồng)... Các dự án đầu tư trên góp phần hình thành một số sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch.
Đánh giá tổng quan về đầu tư du lịch ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng sự phát triển của thị trường khách nội địa và sự quan tâm của nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cho thấy cơ hội trong đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng và đón đầu nhu cầu thị trường. Bằng cách kịp thời nắm bắt và nhận diện rõ nhu cầu, xu hướng mới của thị trường, các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả các điểm đến mới nổi của du lịch Việt Nam.
Thiếu những chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư tại các vùng khó khăn
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, hoạt động thu hút đầu tư trong ngành du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn thiếu chiến lược thu hút, chưa thực sự tạo thuận lợi hỗ trợ các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch.
Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa thu hút được đầu tư, hạ tầng kỹ thuật giao thông tiếp cận nhiều điểm du lịch tiềm năng còn hạn chế, làm nản lòng nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc thực hiện dở dang, chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, chuyên nghiệp…
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, cần xóa bỏ rào cản về thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là những ưu đãi, tạo thuận lợi về thuế, đất đai, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, quy hoạch...; đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là ở những vùng còn khó khăn; đẩy mạnh đầu tư du lịch chuyên nghiệp, thực chất, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cần dựa trên nhiều yếu tố nội tại như tiềm năng du lịch và thương hiệu điểm đến địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài.
Đại diện Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, Chính phủ cần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế và các rủi ro liên quan.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đầu tư vào ngành du lịch của nước ta.
Đặc biệt, Chính phủ cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam./.