Du lịch sinh thái cần hướng đến kinh tế xanh vì môi trường bền vững

Cần hướng đến phát triển du lịch sinh thái như một mô hình kinh tế xanh, với phương pháp khai thác tiềm năng thiên nhiên hiệu quả mà vẫn đảm bảo gìn giữ môi trường sinh thái tồn tại bền vững.
hinh-1-1655609193.jpg
Du lịch sinh thái là chọn lựa lý tưởng để thư giãn và cải thiện sức khoẻ

Trong nhịp sống hiện đại tất bật ngày nay, mọi người có xu hướng tìm về với thiên nhiên để hoà mình vào sự hoang sơ, trong lành và thanh bình. Bên cạnh đó, trải qua sự tác động của đại dịch Covid-19, du lịch sinh thái trở thành sự chọn lựa lý tưởng của du khách để thư giãn và cải thiện sức khoẻ. Cũng tán đồng với xu hướng ấy, sau một tuần làm việc căng thẳng, anh Huy Hoàng (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cùng nhóm bạn quyết định chọn một khu du lịch sinh thái ven biển thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu làm điểm dừng chân, trải nghiệm cảm giác một ngày sống giữa thiên nhiên. 

Điểm dừng chân anh Huy Hoàng cùng bạn bè của mình chọn lựa là Khu du lịch sinh thái Gió Biển, nơi đây có khung cảnh thiên nhiên yên bình giữa rừng đước ngập mặn hoang sơ. Khu du lịch này nằm trên cung đường tập hợp các điểm du lịch đặc sắc khác như: Chùa Xiêm Cán, Vườn Chim Bạc Liêu, Quán âm Phật Đài, Cánh đồng Điện gió… Do đó, khu lịch Gió Biển được xem là nơi dừng chân thuận tiện để nghỉ ngơi, ăn uống sau khi đã đến thăm các điểm du lịch tiêu biểu kể trên.

Đến đây, du khách sẽ có dịp thử cảm giác trên bè nổi thả trôi dòng nước, men theo tán rừng đước, trải nghiệm các hoạt động thú vị như giăng lưới, bắt cá, tôm, cua… tự mình chế biến món ăn từ chính sản vật thiên nhiên ấy. Đặc biệt hơn, khách có thể cắm trại qua đêm tại đây để tham gia các hoạt động thú vị buổi tối như chèo xuồng ngắm cảnh rừng về đêm, lắng nghe thanh âm của côn trùng và động vật hoang dã, soi đèn bắt ếch nhái, ba khía… Những trải nghiệm ấy khiến cho anh Huy Hoàng cảm nhận được vẻ đẹp, sự trù phú của rừng đước.

hinh-2-1655609192.jpg
Nhóm du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái Gió Biển
hinh-3-1655609192.jpg
Tự chế biến và thưởng thức đặc sản thiên nhiên

Du lịch sinh thái giúp gắn kết con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường đồng thời tạo ra cơ hội việc làm, cải thiện đời sống người dân. Là mô hình nhiều địa phương trong cả nước đang hướng đến. Bạc Liêu với 56 km bờ biển, diện tích rừng, đa dạng sinh học dưới tán rừng, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Du lịch sinh thái hiện là một trong những loại hình du lịch đặc trưng hấp dẫn ở ÐBSCL, trong đó có tỉnh Bạc Liêu. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu xác định tăng cường đầu tư, khai thác du lịch sinh thái phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 ngàn tỷ đồng; chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển của mô hình này tác động không nhỏ đến môi trường. Do đó, đòi hỏi phương pháp khai thác tiềm năng thiên nhiên hiệu quả mà vẫn đảm bảo gìn giữ môi trường sinh thái tồn tại bền vững. Điều này cần đến ý thức của cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch. Với phương châm “phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ rừng”, anh Lâm Văn Duẫn, đã tận dụng 2,5 ha diện tích rừng đước ven biển của gia đình để xây dựng khu du lịch sinh thái Gió Biển nhằm khai thác tiềm năng vốn có từ thiên nhiên. Anh Duẫn có nhiều ý tưởng để giúp du khách có được khoảng thời gian vui chơi, nghỉ dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, quan điểm của anh là cố gắng không tác động, làm ảnh hưởng sự phát triển của rừng và hệ sinh thái dưới tán rừng. Các hoạt động của du khách như giăng lưới, câu cá, cắm trại qua đêm trong rừng cũng được cân nhắc không làm ô nhiễm môi trường, không tổn hại rừng, nhất là các loài động, thực vật hoang dã.

hinh-5-1655609193.jpg
Anh Duẫn – chủ khu du lịch sinh thái Gió Biển trăn trở phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ rừng
hinh-4-1655609193.jpg
Du lịch sinh thái thúc đẩy tình yêu thiên nhiên, môi trường

Theo Thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng Cục du lịch, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 60%. Còn chất thải rắn tại các khu du lịch mùa cao điểm có thể chiếm khoảng 70% - 80% khối lượng chất thải ra môi trường. Các chuyên gia cũng nhận định hoạt động du lịch ảnh hưởng 20% - 30% đến môi trường sinh thái. Trước thực trạng đó, cần hướng đến phát triển du lịch sinh thái như một mô hình kinh tế xanh, với phương pháp khai thác tiềm năng thiên nhiên hiệu quả mà vẫn đảm bảo gìn giữ môi trường sinh thái tồn tại bền vững.

Mô hình kinh tế xanh này không chỉ đem đến lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho nhân lực bản địa mà còn quảng bá nét đẹp của hệ sinh thái địa phương, là cầu nối giữa con người với thiên nhiên. Khi những khu du lịch sinh thái phát triển bền vững, sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương vốn giàu tiềm năng như tỉnh Bạc Liêu. Còn những du khách như anh Huy Hoàng tận hưởng ngày nghỉ tại Gió Biển, sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ giữa không gian hoang sơ, bỏ lại phía sau những nhọc mệt ồn ào của phố thị... tận hưởng khung cảnh yên bình, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp...

Phương Quyên