Du lịch nông thôn phải gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc bắt nhịp xu thế và thị hiếu của du khách

Xây dựng các mô hình du lịch nông thôn phải gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp nhu cầu của khách du lịch.
du-lich-nong-nghiep-3-1731507188.jpg
Đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.(Ảnh minh họa)

Du lịch sẽ góp phần khai thác "mỏ vàng" nông nghiệp, nông thôn

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Việt Nam với nhiều cảnh quan đẹp, các làng nghề truyền thống đang là động lực thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái hiện nay không những góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm mà còn giúp bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa ở vùng nông thôn cũng như tăng giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc sản vùng miền.

Trên thực tế, thời gian qua các địa phương đã có những chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong đó, một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, trải nghiệm như: Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh) tận dụng cảnh quan và không gian sông nước miệt vườn nguyên sơ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

Tại đây, khách du lịch được tham gia trải nghiệm một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Ngoài ra, có những điểm du lịch khác như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), dịch vụ Homestay Bản Lác (Hòa Bình)… hay những tour du lịch chiêm ngưỡng mùa lúa chín ruộng bậc thang ở khu vực Tây Bắc; du lịch trang trại ở vườn cà-phê Ðắk Lắk; tham quan trang trại trồng thanh long ở Bình Thuận; khám phá miệt vườn sông nước ở các địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long…

du-lich-nong-nghiep-1-1731507238.jpg
Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn kết vườn cây ăn trái của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc, Đồng Nai). (Ảnh minh họa)

Tại Đồng Nai hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ quả ca cao, trái cây chế biến…

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất.

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) với hướng phục vụ du khách tham quan các nhà vườn. Đây là tổ hợp tác du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc. Khách du lịch vừa có thể trải ngiệm, vừa có thể tự tay thu hoạch trái cây và mua làm quà cho người thân.

Anh Văn Thành Toàn, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, khoảng 4 năm trước, trên cơ sở vẫn chăm sóc vườn cây và thu hoạch theo cách truyền thống như trước, anh đã tận dụng một số vị trí để trồng các loại hoa, tạo dựng cảnh quan trong vườn và bán vé cho du khách vào tham quan. Ý tưởng mới lạ đã mang lại cho anh những kết quả ngoài mong đợi khi lượng khách đến đông, cho thu nhập cao hơn thu nhập từ thu hoạch trái cây. Đến nay, anh Toàn đang hợp tác với một doanh nghiệp lữ hành của tỉnh xây dựng khu vui chơi, trải nghiệm những công việc làm vườn, trồng rau, bắt cá nhằm phục vụ đối tượng khách chính là học sinh.

Cần đẩy mạnh sự kết nối, hỗ trợ giữa các cộng đồng du lịch

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong những năm gần đây, với nguồn tài nguyên nông nghiệp và nông thôn phong phú, nhiều địa phương trong nước đã chú trọng phát triển du lịch gắn liền với nông nghiệp, tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch phong phú và đặc sắc từ Bắc vào Nam. Những sản phẩm này không chỉ phản ánh đặc trưng văn hóa và sinh thái nông nghiệp của từng vùng miền mà còn được khai thác một cách có định hướng, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu tham quan và trải nghiệm của nhiều nhóm đối tượng du khách.

du-lich-nong-nghiep-2-1731507288.jpg
Du lịch nông nghiệp nông thôn được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Du lịch nông thôn ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ vào cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng và nguồn lực cộng đồng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả những tiềm năng này, việc phát triển du lịch cần đảm bảo đồng thời các yếu tố như đa giá trị - kết hợp hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và sinh thái; Bền vững - bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên; và bao trùm, tạo cơ hội tham gia và hưởng lợi cho mọi thành phần trong xã hội.

Để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, hướng đi bền vững, một số các giải pháp đưa ra, như các địa phương cần đẩy mạnh sự kết nối, hỗ trợ giữa các cộng đồng du lịch với nhau và giữa du lịch nông nghiệp, nông thôn với các điểm du lịch nổi tiếng, du lịch lữ hành; Xây dựng các mô hình du lịch nông thôn phải gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp nhu cầu của khách du lịch.

GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) khẳng định, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

du-lich-nong-nghiep-4-1731507315.jpg
Trải nghiệm một ngày làm nông dân tại làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam). (Ảnh minh họa)

Còn theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định: Để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giúp người dân kiến thức làm du lịch nông nghiệp.

Cùng với đó, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Nâng cao chất lượng các điểm lưu trú để du khách có nhiều trải nghiệm, tương tác với đời sống của người dân địa phương. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm./.

Bình Nguyên