Dư Dụ (Thanh Oai) có một Ngôi chùa

Nói đến Dư Dụ (Thanh Oai) phải nói đến văn hóa tâm linh ở một thôn có đến 3 công trình được Bộ văn Hóa Thông tin, nay là Bộ văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1991.
2019-09-07-1645924404.jpg
Ngôi chùa hiện nay vẫn khá khuất nẻo

Đó là Đình làng Dư Dụ, nơi thờ Quý Minh Đại Vương, một nhân vật văn võ song toàn đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước Văn Lang thời Hùng Vương. Đình được trùng tu vào đời vua Cảnh Hưng 24 (1763), đến năm 1925, dưới thời Khải Định, đình Dư Dụ được trùng tu lại. Ngôi đình ngày nay, có bố cục kiểu chữ Công (工), bao gồm: đại bái, trung cung, hậu cung.

Hiện có hai dị bản ở đình Dư Dụ nói về Thành Hoàng Quý Minh, vị thần đã dạy dân cày cấy và trồng dâu nuôi tằm. Một bản cho Quý Minh chính là thần Tản Viên. Bản thứ hai cho Quý Minh là em thần Tản Viên. Công trình thứ hai là đền thờ Lỗ Ban Tiên Sinh, ông tổ của nghề Mộc. Và công trình thứ ba là chùa Dư Dụ.

Ngôi chùa cổ tọa lạc trên diện tích 1ha có tên chữ là Phúc Sinh Tự, ngày xưa được gọi bằng tên sư tổ trụ trì là chùa Túc, ngày nay gọi là chùa Dư Dụ. Sư thầy Thích Đàm Nguyện, trụ trì ngôi chùa này từ 1996 cho biết: Ngôi chùa nhỏ có từ rất lâu đời, đến thế kỷ XVII, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn. Sau nhiều lần sửa sang, hiện tại, chùa mang nét đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn, thành quả của lần đại tu vào năm 1899, đời vua Thành Thái.

Chùa có không gian thoáng đãng, nhưng thời gian đã làm xuống cấp nghiêm trọng. Nguyện vọng của Sư Thầy, của bà con trong thôn, trong cả xã là được trùng tu bảo tồn ngôi chùa có bề dày lịch sử và là chứng tích của một nền văn hóa lâu đời cho xứng với vị thế của nó. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi che giấu cán bộ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm sơ tán bom đạn 1966-1967, chùa là nơi làm việc của Bệnh viện Mắt Hà Đông cũ, dấu tích vẫn còn đây.

3353295dscf0796-1645924751.jpg
Du lịch tâm linh đồng thời quảng bá làng nghề là ước muốn của người dân Dư Dụ

Với tấm lòng hảo tâm, nhân dân địa phương và nhân dân ở mọi nơi đóng góp gửi về nên năm 2006 nhà chùa có kinh phí mở rộng sân chùa, năm 2008 trùng tu Nhà Tổ, năm 2010 làm Nhà Mẫu, năm 2011 làm Nhà Khách, năm 2012 làm Nhà Vong. Nhà chùa đang dự định quy hoạch, xây dựng lại cho khang trang, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của bà con.

Mọi người đều cho rằng: Thôn Dư Dụ đã có đình to, miếu đẹp; Cả đình, đền và chùa đều được công nhận di tích lịch sử. Đây là một quần thể du lịch độc đáo đầy sức hấp dẫn; Khách du lịch có thể khám phá làng nghề, tham quan đền, miếu và vãn cảnh chùa.  Với tình yêu và niềm tự hào về quê hương, người dân Dư Dụ mong muốn được giới thiệu quần thể di tích độc đáo này với đồng bào cả nước và mong muốn thật nhiều người biết đến làng nghề điêu khắc nổi tiếng.

“Nhà thờ Phật đã xuống cấp, đường vào chùa hẹp, cổng chùa thì bé. Thật khó khăn cho mọi người khi tới viếng thăm chùa. Nhưng kinh phí chúng tôi còn hạn hẹp lắm, dù vậy, vẫn phải thực hiện bằng được việc trùng tu sang sửa ngôi chùa mang nhiều dấu ấn lịch sử này”. Đó là khẳng định của những người có trách nhiệm với ngôi chùa và là mong muốn chính đáng của người dân Thanh Oai.

Giữa nhịp sống sôi động của cuộc sống hiện đại, mỗi người dân càng cần có những phút giây thư thái trong không gian yên tĩnh, thanh bình. Thăm viếng chùa chiền là để tìm sự thanh thản, an lành, để tâm hồn được lắng lại.

Ngoài ra, hiện vật đáng chú ý tại chùa còn có khánh đồng và chuông đồng đúc vào triều Minh Mệnh 20 (1839); 05 bia đá ghi việc công đức tu sửa chùa vào các triều vua Minh Mệnh, Khải Định và Bảo Đại và nhiều di vật quý khác. Mỗi dịp tuần tiết, người làng Dư Dụ lại lên chùa lễ Phật, dâng cúng các vật phẩm hương hoa, cầu mong đức Phật phù hộ cho sức khỏe và no ấm. Ngôi chùa qua năm tháng vẫn hiện diện tại đây, che chở, bảo bọc cho nhân dân.

Chúng tôi mong muốn và tin rằng, sẽ có nhiều thiện nam, tín nữ, nhiều tổ chức công đức để góp sức cùng Nhà Chùa sớm thực hiện được kế hoạch xây dựng chùa Dư Dụ. Góp vốn xây dựng, trùng tu ngôi chùa cổ mang dấu ấn văn hóa của dân tộc từ ngàn xưa cũng là nguyện vọng của toàn dân góp vốn xây dựng quần thể khu di tích lịch sử độc đáo ở thôn Dư Dụ, Thanh Thùy, Thanh Oai - nơi đến thường xuyên của những người: "Yêu, hiểu và trân trọng văn hoá” tâm linh./.

Quốc Việt