Phát huy tối đa thế mạnh
Trên tinh thần đó, tỉnh phát triển mặt hàng lúa, gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường. Phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh tối thiểu là 470.940ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn.
Bên cạnh đó, phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35-40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên. Hướng đến sự phát triển bền vững ngành hàng, tỉnh khuyến cáo người nông dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất; chủ động điều tiết cung, mở rộng thị trường tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp...
Đặc biệt là thúc đẩy phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ gạo và phụ phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị như: dầu gạo, bánh gạo, bột gạo, các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng từ gạo, mỹ phẩm từ gạo...
Là một trong những sản phẩm chủ lực, tỉnh định hướng phát triển ngành hàng xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2025, diện tích trên 11.000ha các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100% diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định. Đồng thời cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là kỹ thuật giống, sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến xoài, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn
Để ngành hàng phát triển, tỉnh phấn đấu ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng. Đồng thời khuyến khích các hình thức xử lý phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất; hình thành các mô hình doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến xoài.
Mặt khác, phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh, sẽ tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam; phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả; phát triển hệ thống hậu cần (logistics) phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác.
Định hướng của tỉnh là phát triển hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược cấp tỉnh của Đồng Tháp theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường liên kết giữa các hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp. Diện tích gieo trồng hoa kiểng tập trung đạt trên 3.500ha vào năm 2025.
Để ngành hàng chiến lược này phát triển trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa kiểng mới, chất lượng tốt, đặc trưng và phù hợp với điều kiện của tỉnh, thị hiếu người tiêu dùng; sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống hoa kiểng địa phương. Không dừng lại đó, tỉnh phối hợp các viện, trường, câu lạc bộ, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây kiểng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm khác như sấy hoa, sản xuất nước hoa từ các loại hoa.
Ngoài ra, xây dựng những mô hình sản xuất hoa kiểng ổn định, bền vững, kết hợp với tham quan du lịch trải nghiệm; rà soát và mở rộng quy hoạch vùng sản xuất hoa kiểng tập trung gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và lễ hội, Festival hoa; phát triển các hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi và dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất hoa kiểng gắn với du lịch...
Hướng tới phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nuôi cá tra trên 2.450ha, với sản lượng trên 555.000 tấn, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản (tăng 0,38% so với năm 2020); giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.
Trên tinh thần đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cá tra. Đồng thời tăng cường đầu tư, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật, kênh phân phối, thị hiếu của người tiêu dùng...
Đối với cây sen, tỉnh phát triển ngành hàng này theo hướng hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững. Theo đó, đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt trên 1.148 tấn.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau; phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện ít nhất 3 mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm; thu hút đầu tư các dự án chế biến các sản phẩm từ sen; chú trọng đến việc gia công, chế biến sạch gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước...