Cẩm Mỹ là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh với đa dạng các loại vật nuôi cây trồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều hộ dân sản xuất nông sản trên địa bàn huyện phải kêu cứu khi đến vụ thu hoạch nhưng không có đầu ra.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai có hơn 1 ha củ đậu đã quá lứa sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội không thu hoạch được. Nay địa phương trở thành “vùng xanh” và được nới lỏng giãn cách, gia đình ông mới bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch phải đổ bỏ khá nhiều do củ đậu bị hư hỏng và không có người mua trong thời gian giãn cách xã hội.
“Hơn 1 ha củ đậu của gia đình phải bỏ trắng do không có người mua, bao nhiêu vốn liếng, công chăm sóc đều mất trắng. Thời điểm giãn cách vừa qua, hầu hết các hộ sản xuất nông sản ở đây đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người nông dân chỉ mong hết giãn cách, bà con buôn bán trở lại, mong gỡ gạc được chút vốn liếng”, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Dù thua lỗ, nhưng may mắn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương giới thiệu doanh nghiệp thu mua nông sản cho bà con, gia đình ông Nguyễn Văn Hải cũng như những hộ nông dân khác đã bắt đầu thu hoạch “vét” nông sản để gỡ vốn và đầu tư cho vụ sản xuất tiếp theo.
Anh Trần Văn Hoàng, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cung ứng nông sản Đà Lạt HB Farm cho biết, được Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ giới thiệu công ty đã hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con nơi đây. Sau đợt này, công ty cũng rất muốn bà con ổn định sản xuất. Về lâu dài, công ty cũng muốn mở hợp tác xã thu mua nông sản ở địa phương để bà con yên tâm sản xuất và có nguồn nông sản ổn định để cung cấp cho doanh nghiệp.
Tương tự, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang rất khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tìm đầu ra cho ngành chăn nuôi đang là bài toán khó vì không có nơi tiêu thụ. Hiện toàn huyện Cẩm Mỹ có khoảng hơn 6.000 con dê đến tuổi xuất chuồng, ước tính trên 200 tấn thịt chưa được tiêu thụ. Do dịch bệnh nên thời gian nuôi kéo dài, trọng lượng vượt quá quy định, đầu ra hạn chế, do đó nhiều hộ chỉ có thế cho ăn cầm chừng, không dám đầu tư vì sợ thua lỗ.
Theo ông Vũ Hồng Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi cá VietGAP xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, từ mùa dịch đến nay tình hình đầu ra của ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đa số các loại vật nuôi hiện nay đều có trọng lượng vượt quá quy định do bà con phải nuôi trong thời gian dài, không có người thu mua. Hiện bà con nông dân ở đây đang rất mong muốn các cấp chính quyền tính toán, hỗ trợ thu mua để giúp bà con sớm ổn định sản xuất.
Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, thời gian qua để hỗ trợ cho bà con, các cơ quan chức năng địa phương đã tích cực tìm kiếm, kết nối các kênh bán hàng giúp nông dân kịp thời tiêu thụ nông sản thông qua việc đưa lên sàn giao dịch của diễn dàn kết nối tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kêu gọi các doanh nghiệp, công ty trước đây có liên kết sản xuất để tiêu thu nông sản cho bà con.
Theo đó, địa phương đã hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ hơn 2.800 tấn nông sản. Hiện vẫn còn tồn khoảng 500 tấn nông sản đang được tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Huyện cũng đã xây dựng các đường dây nóng để người dân liên hệ, phản ảnh trực tiếp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng cung không đủ cầu, nhất là đối với các loại rau, củ, quả. Do các loại mặt hàng này hiện đang gặp khó khăn về đầu ra, nhiều vùng trồng rau đến kỳ thu hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không có thương lái thu mua, người dân phải nhổ bỏ hoặc làm thức ăn cho vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ước tính, từ nay đến cuối năm, tổng sản lượng rau xanh thu hoạch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 100.000 tấn, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường 25.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ rau củ quả các loại của người dân trong tỉnh là 29.000 tấn/tháng, cung chưa đủ cầu. Trung bình mỗi tháng, Đồng Nai vẫn phải nhập khoảng 8.000 tấn các loại từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ.
Để hỗ trợ cho người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản tăng cường kiểm soát lưu thông, di chuyển giữa các vùng trong lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới”. Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh, bổ sung thêm đối tượng được cấp giấy đi đường là nông dân trong mùa thu hoạch nông, lâm, thủy sản, đi làm rẫy hàng ngày ở vùng xanh qua vùng đỏ, cam, vàng và ngược lại để người dân thuận tiện hơn trong việc chăm sóc và thu hoạch nông sản, ổn định sản xuất./.