Trong 5 năm trở lại đây, số lượng tổ chức tín dụng tài trợ các dự án xanh tăng hơn 2,5 lần

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có tới 40 tổ chức tín dụng cấp vốn xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt hơn 20%/năm. Dư nợ tín dụng xanh hiện đạt hơn 500.000 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng nhanh

Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các tổ chức tín dụng tài trợ cho các dự án xanh đã tăng hơn 2,5 lần. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, hay các doanh nghiệp chú trọng vào ESG, tức là những doanh nghiệp quan tâm tới các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng HDBank đã giải ngân hơn 13 nghìn tỷ đồng cho các dự án xanh đáp ứng tiêu chuẩn chuyển dịch xanh ESG. Theo ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng HDBank: "Chúng tôi cũng có kí các thoả thuận với các tổ chức tài chính xanh với tổng lượng vốn cao kết hơn 700 triệu USD cho các mục đích: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác nằm trong dịch vụ xanh của Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục mở rộng danh mục dự án, và cũng tiếp tục làm việc với các đối tác khác để có các nguồn tài chính giá rẻ hơn và dài hạn hơn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận hiện thực hoá mục tiêu của mình".

Tín dụng xanh thường có mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với thông thường. Do đó, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Để có được nguồn vốn giá rẻ, ổn định trong trung dài hạn, các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn quốc tế, tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới.

Đơn cử, HDBank đã huy động được 700 triệu USD vốn quốc tế để cho vay trong nước. Ngân hàng Nam Á cũng chú trọng tìm kiếm đối tác ngoại để cung cấp nguồn vốn xanh khi là ngân hàng đầu tiên ký kết hợp tác với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF). Tính đến hết tháng 5 năm nay, dư nợ tín dụng xanh của Ngân hàng Nam Á là 154 tỷ đồng, tương đương 33% tổng nguồn vốn do Quỹ GCPF đã cấp.

green-credit1-1688111474.jpg

Ảnh minh họa.

Đại diện của Ngân hàng Nam Á chia sẻ: "Vừa qua, Quỹ GCPF đã thông báo chấp thuận số tiền hơn 183 tỷ đồng tài trợ gói dự án khu du lịch thác Prenn vào gói tín dụng xanh. Tổng tiền dự kiến hạch toán vào dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng là hơn 360 tỷ đồng. Theo đó, dư nợ tín dụng xanh dự kiến của ngân hàng sẽ đạt 77% nguồn vốn của GCPF."

Trong 2 năm trở lại đây, số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước đó. Tiềm năng thu hút đầu tư còn rất lớn. Nguồn vốn quốc tế có lãi suất thấp hơn, lại có thời hạn dài, từ 3-7 năm. Do đó, tín dụng xanh đang thực sự hấp dẫn, càng nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay xanh kết hợp cùng đối tác nước ngoài.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Mặc dù các ngân hàng cam kết dành nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh song, quá trình cho vay xanh cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện. Lãnh đạo Agribank cho biết: “Tại nhiều địa phương, tìm mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất hàng hóa thì rất dễ, song mô hình ‘xanh’ thì rất khó, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chứng nhận”.

Được biết, hành lang pháp lý vẫn đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn xanh vì chưa có bộ quy định cụ thể thế nào là một dự án xanh và không xanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC cho biết: "Hành lang pháp lý chưa cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi tiến hành các khoản tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh".

Theo các chuyên gia, một bộ quy chuẩn điều kiện xanh với những tiêu chí cụ thể sẽ hoạt động như kim chỉ nam để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn. Việt Nam có thể tham khảo từ các nước phát triển để có thể có bộ quy chuẩn phù hợp dựa trên nhiều yếu tố.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị: "Nếu chúng ta có khung quản lý được tiêu chuẩn hoá, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của các doanh nghiệp được công khai, sẽ mang lại định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh. Như vậy, các ngân hàng có mô hình như chúng tôi có thể tiếp tục góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh".

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: "Hiện, Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có hữu ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng".

Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng cũng như NHNN đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt, trong quá trình điều hành NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh.

NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Thi Nguyên (t/h)