Đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Một số dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm,… còn xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế trên 2.000 tỷ đồng; bệnh dại đã làm 42 người tử vong và khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng, tổn thất về kinh tế hơn 740 tỷ đồng.
gia-suc-gia-cam-1634124635.jpg
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao. Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, một số dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục,  lở mồm long móng, cúm gia cầm,… còn xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế trên 2.000 tỷ đồng; bệnh dại đã làm 42 người tử vong và khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng, tổn thất về kinh tế hơn 740 tỷ đồng.
Theo chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các văn bản chỉ đạo.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại...
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Ngoài ra, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Đặc biệt, tăng cường việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật,… nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, trong trường hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y không thể đến cơ sở để tổ chức thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022, cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh./.