Mùa sầu riêng bất lợi trên đất Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 32.000ha sầu riêng. Sau thời gian nắng nóng kéo dài, từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh này xuất hiện một số cơn mưa đã khiến nhiều vườn sầu riêng xảy ra hiện tượng rụng trái non. Ông Mai Văn Hùng (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hơn 10 ngày nay, hơn 2ha sầu riêng của gia đình xảy ra hiện tượng rụng quả non.
“Dù đã sử dụng nhiều loại thuốc để giữ trái nhưng hiện tượng rụng quả vẫn xảy ra. Năm nay, tôi dự kiến thu hoạch khoảng 15 tấn sầu riêng nhưng với sự cố như thế này thì sản lượng sẽ hao hụt mạnh”, ông Hùng lo lắng...
Tình trạng sầu riêng rụng quả non cũng xuất hiện ở nhiều vùng trồng ở tỉnh Gia Lai. Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cho biết, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện khoảng 1.200ha, trong đó có 400ha đang cho thu hoạch. Mùa vụ năm nay, do sốc nhiệt, sốc nước khiến sầu riêng bị rụng quả, tập trung ở các xã Ia Tôr, Ia Piơr. Có 15%-20% diện tích sầu riêng bị rụng quả với tỷ lệ rụng đến 30%.
Theo nhiều người trồng sầu riêng ở Gia Lai, năm nay nắng hạn diễn ra quá gay gắt, nhiều vườn thiếu nước tưới khiến quả sầu riêng rụng nhiều hơn. Lúc có mưa đột ngột khiến người trồng trở tay không kịp.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, địa phương này hiện có hơn 20.300ha sầu riêng. Do nắng hạn kéo dài làm không ít cây sầu riêng bị chết do thiếu nước tưới. Tình trạng khô hạn cũng khiến nhiều diện tích sầu riêng tại huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh bị rụng trái do cây không đủ nước nuôi dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, người trồng sầu riêng huyện Đạ Huoai chia sẻ: "Đợt nắng hạn vừa qua khiến trái bị rơi rụng lên đến 25-30%". Cũng theo ông Thanh, hiện huyện đã có mưa, song tần suất không nhiều, lượng mưa không cao nên gia đình ông vẫn chưa chủ động được nước tưới. Để duy trì vườn 2ha, gia đình ông Thanh phải bòn mót nước từ 2 giếng khoan và nối ống, bơm hút từ các hố nước cách nhà gần 1km.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đạ M'Ri (thị trấn Đạ M'Ri, huyện Đạ Huoai), mùa khô năm nay kéo dài, nhiệt độ ban ngày có giai đoạn vượt mức 36 độ C, dẫn đến tình trạng sầu riêng rụng trái.
"Đây là mùa sầu riêng bất lợi nhất của chúng tôi. Mùa mưa năm ngoái, lượng mưa quá nhiều khiến cây bị úng rễ, chết hoặc đổ gãy, gây thiệt hại lớn. Bước sang mùa khô, nguồn nước tưới thiếu trầm trọng, kết hợp nền nhiệt cao nên trái trên cây tự rụng hàng loạt. Ở nhiều khu vực, do quá khô hạn nên nhà vườn chỉ ráng giữ được cây to còn cây nhỏ buộc phải bỏ", ông Sơn nói.
Kiểm soát từ vùng trồng tới quy trình chăm sóc thu hoạch sầu riêng
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, do nắng nóng kéo dài nên khi xuất hiện một số cơn mưa khiến sầu riêng bị sốc nhiệt gây rụng quả non. Tình trạng này xảy ra ở nhiều vùng trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, do đó, dự kiến sản lượng sầu riêng của tỉnh năm nay giảm hơn niên vụ 2023.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh có 49 mã số vùng trồng và 17 cơ sở đóng gói. Vừa qua, tại Đắk Lắk có 12 mã vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói bị nước nhập khẩu cảnh báo do không tuân thủ các quy định và nội dung đã cam kết trong nghị định thư về sầu riêng khi đàm phán xuất khẩu chính ngạch.
Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình trong sản xuất và đóng gói, báo cáo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để xử lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm thực hiện đúng cam kết trong nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng.
Tương tự, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang hướng dẫn các cơ sở đóng gói sầu riêng phải định kỳ kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu để tránh xuất khẩu các lô hàng không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và thị trường xuất khẩu sầu riêng của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu, ngăn chặn những vi phạm về mã số cũng như dư lượng (nếu có) để đảm bảo uy tín, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Bởi nếu không quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, tuân thủ các quy định trong nghị định thư về sầu riêng thì có thể đánh mất thị phần, nhất là sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Malaysia... ngày càng gay gắt.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng rà soát lại các vùng trồng sầu riêng trước tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích như thời gian qua; yêu cầu Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương xác định quy mô vùng trồng và xây dựng chế tài xử lý các trường hợp vượt quy hoạch. Ngoài ra, cũng đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chí mới để quản lý sầu riêng tươi.
“Những tiêu chuẩn này phải mang tính pháp lý để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có thể căn cứ vào đó để kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh./.