Đồng bào công giáo Thanh Hóa tích cực xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 147.000 giáo dân đang sinh sống tại 450 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh luôn lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế; tự nguyện đóng góp hơn 200 tỷ đồng cùng nhiều ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Qua đó, góp phần quan trọng, tạo nên thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nga Sơn là huyện có đông đồng bào công giáo nhất trong tỉnh, với trên 27.000 giáo dân, sinh hoạt trong 10 xứ đạo, 62 họ giáo, 10 nhà thờ xứ, 9 nhà thờ họ sống xen cư ở 12 xã. Trong đó, giáo dân sống chủ yếu ở các xã, Nga Liên, Nga Điền, Nga Thái, Nga Phú. Cùng với chăm lo phát triển sản xuất, bà con giáo dân huyện Nga Sơn còn tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, bà con giáo dân trong huyện đã tự nguyện đóng góp 12,756 tỷ đồng, 10.065 ngày công, hiến 3.685m2 đất thổ cư, 68,81m2 đất canh tác, tháo dỡ 1.248m tường rào để mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn. Điển hình như, bà con giáo dân ở khu dân cư xóm 4, xã Nga Liên đã tự nguyện phá dỡ khoảng 500m tường rào và 7 cổng của gia đình để làm đường giao thông nội thôn; Linh mục Nguyễn Xuân Lai cùng bà con giáo dân xứ Mông Ân, xã Nga Điền đã tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng để xây dựng cầu dân sinh qua sông Càn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển sản xuất.

Thôn 2, xã Nga Liên có 211 hộ dân, với 842 nhân khẩu, 100% theo đạo công giáo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chi bộ và ban công tác mặt trận thôn đã vận động mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp hơn 3 triệu đồng để đầu tư sửa chữa nhà văn hóa, bê tông hóa 1,7 km đường giao thông. Đồng thời, thực hiện chủ trương xã hội hóa về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của đảng ủy, chính quyền xã, giai đoạn 2017-2020, mỗi hộ dân thôn 2 đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ 5 triệu đồng để sửa chữa các trường học, làm mới và tu sửa 4,7 km đường giao thông liên thôn. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và bà con giáo dân địa phương đang tiếp tục nỗ lực, chung tay đóng góp công sức nâng cao chất lượng các tiêu chí của thôn nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2024, thôn 2 về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

ntm-nam-dinh1-16336645956222107292852-0-0-375-600-crop-16336645999231958533604-1640172281.jpeg
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Ông Tống Thanh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Nga Liên chia sẻ, xã Nga Liên là một trong những xã có đông đồng bào công giáo sinh sống, chiếm gần 94% dân số toàn xã. Những năm qua, bà con giáo dân Nga Liên đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần đưa xã cán đích nông thôn mới từ năm 2017. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với Nga Điền, Nga Phú, Nga Thái, xã Nga Liên đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, phát huy nội lực, lợi thế của địa phương, năm 2020 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Định Tân, huyện Yên Định đã nỗ lực phấn đấu “cán đích” xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được kết quả trên, cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân cũng có sự đóng góp không nhỏ của hơn 500 giáo dân, thuộc giáo xứ Yên Khánh.

Năm 2018, thôn Yên Định, xã Định Tân là một trong những thôn có đông đồng bào công giáo sinh sống bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài và xuyên suốt, trên cơ sở duy trì kết quả đạt được, chi bộ thôn đã chỉ đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị tiếp tục tuyên truyền, vận động các giáo dân góp công, góp sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Lê Văn Long, Bí thư chi bộ thôn Yên Định, chia sẻ, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, các giáo dân trong thôn đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa với trị giá 2,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 500 triệu đồng. Đến nay, hơn 50% các tuyến đường trong thôn đã có chậu hoa sạch đẹp; 100% các tuyến đường đều có điện sáng…”

Cùng với xã Định Tân, hơn 9.000 đồng bào công giáo trên địa bàn huyện Yên Định đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện. Từ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi, với mức thu nhập từ 450 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm.

Tiêu biểu như ông Đinh Quang Dân, xã Định Tường, kinh doanh nứa cuốn sơn mài, giải quyết việc làm cho 87 lao động; ông Nguyễn Văn Lộc, xã Yên Lâm, khai thác đá xẻ, giải quyết việc làm cho 20 lao động…Hay các ông Trịnh Đình Mạnh, xã Quý Lộc; Vũ Văn Hùng, xã Yên Thọ; Nguyễn Thế Hợp, xã Yên Thịnh phát triển kinh tế trang trại, với thu nhập cao trên 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên.

Có thể nói, từ sự đồng thuận, đóng góp tích cực của giáo dân ở các xứ đạo, họ đạo, nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo trong tỉnh Thanh Hóa đã đạt chuẩn xã, thôn nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh…./.