Phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là tư duy mới về quản lý và phát triển “tam nông” được Đảng ta vạch ra trong Đại hội lần thứ XIII. Qua đó chuyển đổi căn bản từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Tạo chuyển biến tích cực về tư duy nông nghiệp
Nước Việt Nam ta là một quốc gia dân tộc hình thành và phát triển trên nền tảng văn minh nông nghiệp lúa nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất nước ta đã phải “gồng gánh” với biết bao cuộc chiến xâm lăng để gìn giữ nền hòa bình, độc lập cho dân tộc. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp.
Bởi vậy, trước đây, với sự chuyển biến chậm chạp trong tư duy của người nông dân dẫn đến nền nông nghiệp không bắt nhịp kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các nước trên thế giới. Từ đó, đặt ra những thách thức lớn đối với Đảng ta, để sớm có chính sách hợp lý để thúc đẩy bởi động lực nội sinh và đòn bẩy chính sách, lực đẩy của kinh tế thị trường và áp lực của hội nhập quốc tế.
Từ những thực tế nêu trên, với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng qua các thời kỳ Đại hội đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp. Trước hết là chuyển từ một nền sản xuất nhỏ, manh mún, dựa trên các thửa ruộng nhỏ kết hợp với “vườn tạp” của các hộ gia đình, sản xuất theo lối tự cấp, tự túc, sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Thay đổi tư duy sản xuất kinh tế hàng hóa giản đơn chỉ trao đổi sản phẩm dư thừa của nền sản xuất tiểu nông chuyển sang nền kinh tế hàng hóa phát triển với mục tiêu sản xuất để bán ra thị trường. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa. Qua đó, từng bước ký kết hợp tác và hội nhập quốc tế. Đưa nên nông nghiệp nước nhà dân thích ứng với cơ chế thị trường.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam đạt 47,8 tỷ USD. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp đã thực hiện được 89% mục tiêu năm 2023 là xuất khẩu đạt 54 tỷ USD.
Không chỉ dừng lại ở đấy, “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy được tài nguyên bản địa, tạo nên giá trị kinh tế cao hơn, mang lại đời sống khá giả hơn cho nông dân nhiều nơi, góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn. Kết cấu hạ tầng nông thôn thay đổi đáng kể. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đường sá, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình...
Ngoài ra, nền kinh tế nông thôn cũng từng bước chuyển biến mạnh mẽ, từ kinh tế thuần nông sang cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau, góp phần thúc đẩy đô thị hóa nông thôn.
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến
Ngay từ đầu Đảng ta đã xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biếnbảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái.
Khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong nền kinh tế thị trường. Qua đó, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nước ta liên tục tăng mạnh qua các năm, bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. Đến nay, nước ta đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khả quan.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đây là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2016 – đến nay, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.
Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Từ thực tế trên cho thấy, dưới ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với sự chung tay đồng lòng của cả nước. Nền nông nghiệp nước ta đã từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững, thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế nước nhà./.