Nghị quyết “tam nông” từ lý luận đến thực tiễn – Bài 1: Khi chính sách bắt nhịp cùng cuộc sống vùng cao

Với quan đểm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, không thể tách rời, giữ vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để “tam nông” phát triển.
muong-lat-1-1703507801.jpg
Nông dân xã Quang Chiểu phát triển mô hình trồng rau sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không để ai bị bỏ lại sau lưng

Thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn.

Tại Thanh Hóa, với quan điểm, không để ai bị bỏ lại sau lưng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh này đã cụ thể hóa các Nghị quyết, hướng dẫn của TW và Chính phủ, để có những quyết sách thúc đẩy tam nông phát triển, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Đặc biệt là các huyện nghèo miền núi.

Cùng với đó, ngày 23/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn miền núi.

Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi.

Đối với nông nghiệp, tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động được quan tâm thực hiện.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 đạt 31,5% (giảm 1,4% so với năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 45,997 triệu đồng/người/năm (tăng 3,127 triệu đồng/người/năm so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của tỉnh ước còn 3,79%, bình quân 02 năm 2022 - 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) giảm 1,5%/năm.

Trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đến nay đã có 58 xã, 635 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu và có 62 sản phẩm OCOP được công nhận.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2023 đạt 34,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, vượt 0,29% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,33%, vượt 4,33% kế hoạch.

Khi ý Đảng hợp với lòng dân

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái được phát huy. Dân cư ở nông thôn ngày càng vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

muong-lat-2-1703507908.jpg
HTX nông lâm Trung Thành xã Quang Chiểu đã liên kết hơn 200 hộ dân sản xuất gạo nếp OCOP Cay Nọi.

Thúc đẩy Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định về dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân. Qua đó, diện mạo nông thôn ở nhiều khu vực miền núi đang khởi sắc từng ngày.

Ghi nhận tại huyện Mường Lát, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành chương trình trọng tâm về quy hoạch lại vùng sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Chỉ tính riêng năm 2023, huyện Mường Lát đã xây dựng được 12 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình trồng trọt gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân và lựa chọn các hộ dân có nhu cầu, đủ điều kiện sản xuất nông, lâm sản để tham gia chuỗi liên kết và thành lập 6 HTX.

Điển hình như HTX Nông lâm Trung Thành (xã Quang Chiểu) đã liên kết với 200 hộ dân trên địa bàn để sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm gạo nếp Cay Nọi và măng khô. HTX Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Nông lâm nghiệp huyện Mường Lát (xã Mường Chanh) đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn các xã Quang Chiểu, Mường Chanh sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn bí thơm Đồng Sa mỗi năm... Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa trong nhân dân.

Tại huyện Lang Chánh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng thu hút doanh nghiệp vào địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, mà điển hình là Công ty CP Bamboo King Vina.

Năm 2021, Công ty này đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh) với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy được kỳ vọng giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, góp phần tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân trồng tre, luồng ở cả khu vực miền núi.

Từ những hướng đi đúng đắn, chính quyền và nhân dân các xã ở các huyện miền núi đã tạo nên không khí thi sôi nôi trong phát triển kinh tế. Không còn tình trạng ỷ lại, trông chờ “cơ chế”. Qua đó từng bước đưa nên kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Bài 2: Phát huy yếu tốt nội lực, hướng giảm nghèo bền vững

Hà Khải