Đọc "Di chúc" của Bác Hồ nghĩ về đạo đức của người cán bộ, đảng viên

Vậy là, đã tròn 54 năm kể từ ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Hơn nửa thế kỷ! Quãng thời gian không phải quá dài nhưng cũng đủ để một mái tóc xanh, mượt mà ngả màu tiêu muối, đủ để một làn da căng mọng, mỡ màng hằn sâu những vết nhăn.
ban-di-chuc-cua-bac-ho-1662079395.jpg

Chúng ta đều biết, trước khi về với “thế giới người hiền” Bác đã để lại “một cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới”, một công trình vĩnh cửu vì con người”. Hôm nay, đọc lại những dòng chữ ngắn ngủi ấy còn biết bao điều khiến ta phải suy ngẫm. Đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ đảng viên - những người gánh những trọng trách nặng nề mà đảng và nhân dân giao phó. Bài viết một lần nữa ôn lại những tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng để thấy được tầm quan trọng của những tư tưởng ấy đối với giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là đối với cán bộ đảng viên.

Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều đến vấn đề đạo đức. Nền tảng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức dân tộc. Người coi đạo đức là cái “gốc”, là “nền tảng” của người cách mạng, là nguồn nước làm cho tinh thần cách mạng không bao giờ cạn. Việc chăm lo cái “gốc”, cái “nền”, cái “nguồn” đạo đức ấy là công việc thường xuyên của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Bởi lẽ, muốn làm cách mạng, muốn trở thành người cộng sản kiên trung thì trước hết mỗi người phải có tâm “trong sáng” và đức phải “dày”. Người yêu cầu cán bộ đảng viên phải là những người vừa có “đức” vừa có “tài”, trong quan hệ giữa đức và tài Người luôn khẳng định đạo đức là cái “căn bản” của người cách mạng và “nếu không có đạo đức cách mạng thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1].

Theo Người, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải là việc làm thường xuyên và rất khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải kiên trì, bởi lẽ “đạo đức không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong…”[2]. Tin tưởng và đánh giá cao đội ngũ cán bộ đảng viên ở cả hai mặt đức và tài, Người đồng thời chú ý ngăn ngừa những hiện tượng thoái hoá, biến chất đi ngược lại với đạo đức cách mạng, có thể nảy sinh trong một bộ phận cán bộ đảng viên khi đảng đã cầm quyền.

Ngay từ rất sớm, với trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên tri, tiên lượng về những căn bệnh của những người có chức, có quyền và đã sớm chỉ ra những biện pháp cần đề phòng, khắc phục, trong đó Người đặt lên hàng đầu việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cho người cán bộ đảng viên.

Người đã nhiều lần chỉ ra và phê phán chủ nghĩa cá nhân - căn bệnh “mẹ” đã đẻ ra biết bao nhiêu thứ bệnh con như: tham ô, hủ hoá, đặc quyền, đặc lợi, địa vị, công thần, kéo bè kéo cánh, cơ hội, xu nịnh… cũng như “chủ nghĩa quan liêu với nhiều biểu hiện xấu”: mệnh lệnh, cửa quyền, quan cách, hách dịch, độc đoán, chuyên quyền, ức hiếp quần chúng, xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, bảo thủ, trì trệ…

Hàng loạt những sai phạm hiện nay về đạo đức cách mạng, nhìn chung không ngoài những khuyết điểm sai lầm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, nhưng rõ ràng xét ở cấp độ hiện nay thì nó diễn ra nghiêm trọng hơn, quy mô rộng lớn hơn, thời gian kéo dài hơn, hậu quả trầm trọng hơn và thậm chí, sai lầm khuyết điểm không những chỉ dừng lại ở từng cá nhân riêng lẻ mà nó đã đi vào cả cơ chế quản lý kinh tế - xã hội ở nước ta, nó được “thể chế hoá” (tức là biến thành những thể lệ, chế độ, quy định của chính bộ máy quản lý) hoặc “tập quán hoá” (tức là biến thành những điều quen mắt với mọi người)[3]. Tất cả những sai phạm trên của một bộ phận cán bộ đảng viên trong những năm gần đây đã gây nên những tác hại hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân…

Phải chăng, một trong những biện pháp tối ưu nhất để khắc phục những sai phạm ấy là chúng ta phải trở về với những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu đối với cán bộ đảng viên, mà rõ nhất, gần gũi nhất và cũng thiết thực nhất, ấy là việc trở lại với những quan điểm, tư tưởng của Người trong tác phẩm "Di chúc" để mỗi người chúng ta cùng suy ngẫm và hãy bắt tay vào hành động.

Trong "Di chúc", Người căn dặn: “Trong đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển. Sự đoàn kết và thống nhất của đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau…”[4].Như vậy, hơn nửa thế kỷ qua, toàn đảng, toàn dân ta đã thực hiện được nhiều điều trong "Di chúc" mà Bác dặn dò. Hiện nay trong bốn nguy cơ của sự nghiệp cách mạng nước ta thì nguy cơ tham nhũng làm băng hoại phẩm chất đạo đức người cán bộ đảng viên là vấn đề nhức nhối nhất.

Đó cũng là chỗ sơ hở để kẻ thù thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây chia rẽ trong nội bộ đảng ta và giữa đảng với quần chúng nhân dân… Điều đó càng đòi hỏi người cán bộ đảng viên hôm nay phải tuyệt đối trung thành với đảng, với cách mạng, phải không ngừng tu dưỡng đạo đức suốt đời; thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, phải nêu gương về đạo đức…

Đọc lại "Di chúc" của Người càng nghiên cứu, càng suy ngẫm về những điều Bác viết, chúng ta càng thấy lời căn dặn của Bác có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, mà trước hết đó là vấn đề rèn luyện đạo đức tác phong của mỗi cán bộ đảng viên như lời Bác dặn năm xưa: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và “phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.5, tr.253

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.9, tr.293

[3] Dẫn theo GS. Đặng Xuân Kỳ, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Mác - Lênin, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Uỷ ban KHXHNV: Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức cách mạng, Nxb. Thông tin lý luận, H, 1986, tr.125

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.12, tr.510

Đoàn Mạnh Hùng