“Cà phê tồn tại như một lẽ tự nhiên, gắn bó với đời sống của từng cá nhân, từng gia đình, cộng đồng ở Tây Nguyên nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng. Với tình yêu của một người con Buôn Ma Thuột và khát vọng nâng tầm cà phê Việt, mình quyết tâm xây dựng hệ sinh thái Uyên Phương Coffee để giữ gìn văn hóa truyền thống của đại ngàn”. Đây là chia sẻ của doanh nhân Dương Thị Sơn Long với Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh về hành trình gây dựng thương hiệu “Uyên Phương Coffee”.
Bước đi khác biệt
Cà phê là loại nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là vùng Tây Nguyên. Những năm gần đây, vấn đề xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Tây Nguyên nói riêng, thành sản phẩm quốc gia được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm. Cùng với đó, nhiều người có tâm huyết với nhãn hàng cà phê Việt đã phát triển các thương hiệu tư nhân để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Trong xu thế đó, với chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển, thương hiệu “Uyên Phương Coffee” của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Uyên Phương BMT đã từng bước chuyển mình để phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao. Khởi sự từ xưởng sản xuất cà phê gia đình từ những năm 1991 tại Đắk Lắk, “Uyên Phương Coffee” trước đó tập trung vào hệ thống quán cà phê của gia đình bán phục vụ người dân Buôn Ma Thuột và du khách. Cà phê Uyên Phương ngày càng được khách hàng yêu mến và tin dùng.
Chị Dương Thị Sơn Long, Giám đốc Công ty Uyên Phương BMT, cho biết, trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, “Uyên Phương Coffee” quyết định tìm lối đi riêng. “Uyên Phương Coffee” đã phát triển thương hiệu của mình từ những vườn cà phê hữu cơ của chính mình và vườn cà phê liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với quy trình chọn lọc, chế biến nguyên liệu và sáng tạo ra những sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cho cộng đồng.
“Đến nay Uyên Phương Coffee đã có gần chục sản phẩm cà phê sinh thái, hữu cơ khác nhau ra đời và được những người yêu cà phê đón nhận. Đây cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất cà phê sinh thái vườn rừng của Uyên Phương”, nữ doanh nhân khẳng định.
Theo Giám đốc Công ty Uyên Phương BMT, trong lộ trình phát triển bền vững, “Uyên Phương Coffee” đã có những bước đi đầu tiên trong xây dựng hệ sinh thái cà phê vườn rừng hữu cơ. Hiện “Uyên Phương Coffee” đã có 20ha cà phê sinh thái vườn rừng hữu cơ trong quá trình thực hiện những “Bước đi mới”. Quá trình canh tác cà phê sinh thái vườn rừng hữu cơ giúp giảm bớt chi phí đầu tư, nhưng tăng công thu hoạch cà phê chín, hoặc sản lượng thấp hơn so với sản xuất cà phê có can thiệp bằng hóa chất … Bù lại, giá trị của hạt cà phê hữu cơ cao hơn gấp nhiều lần.
Hướng tới mục tiêu “kép”
Giám đốc Công ty Uyên Phương BMT khẳng định, hệ sinh thái cà phê vườn rừng đem lại một tiềm năng khác là phát triển du lịch. Khi nói đến Tây nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng, du khách nghĩ ngày đến cà phê, ca cao, mắc ca. Mô hình cà phê sinh thái vườn rừng hữu cơ sẽ giúp cho du khách trải nghiệm không gian xanh sạch vốn có từ xưa ở Tây Nguyên.
“Du lịch cà phê là một trong những xu hướng mới nổi của du lịch Việt Nam nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Việc kết hợp sẽ là trải nghiệm mới mẻ và hy vọng thu hút được nhiều du khách. Đến thăm vườn cà phê cảnh quan, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về quá trình sản xuất cà phê; check in tại vườn khi hoa cà phê nở rộ, tham gia thu hái hoa cà phê làm trà, rang xay và thử nếm cà phê …”, doanh nhân Dương Thị Sơn Long chia sẻ
Được biết, việc phát triển hệ sinh thái cà phê vườn rừng gắn với phát triển du lịch là nhằm xây dựng môi trường làm việc trong lành, an toàn cho chính người lao động và sức khỏe cộng đồng. Mô hình này cũng thu hút khách du lịch tạo công ăn việc làm cải thiện cuộc sống của người nông dân, người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; kết nối với bạn bè quốc tế, biết đến sản phẩm cà phê hữu cơ sạch, thân thiện với môi trường.
Theo Giám đốc Công ty Uyên Phương BMT, với người Buôn Ma Thuột, cà phê tồn tại như một lẽ tự nhiên, gắn bó với đời sống của từng cá nhân, từng gia đình, cộng đồng. Nhưng một sự thật đang tồn tại là có một bộ phận lớp trẻ, nhất là sinh sống ở thành phố, đang dần mất đi mối liên kết tự nhiên đó.
“Cũng chia sẻ thật, có lần con gái tôi đã bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tiên được ngắm hoa cà phê. Sự thích thú của con làm tôi giật mình. Là người con của Buôn Ma Thuột - Thủ phủ cây cà phê mà còn ngỡ ngàng như vậy, vậy với những người trẻ khác thì thế nào? Đây chính là một trong những lý do chính thôi thúc tôi phát triển thương hiệu Uyên Phương Coffee. Hệ sinh thái cà phê vườn rừng không chỉ là giải pháp để phát triển cà phê Việt bền vững mà còn giúp người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, được gần gũi với thiên nhiên, biết đến sự vất vả của người làm ra hạt cà phê, ý thức được giá trị của ly cà phê khi uống và mang lòng biết ơn”, nữ doanh nhân Dương Thị Sơn Long trải lòng.