Phát triển cà phê Việt Nam theo định hướng tăng trưởng xanh

Xu hướng trồng xen canh đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê sẽ góp phần rất tích cực trong mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê của Việt Nam
a3-1693975122.jpg
Việt Nam có tiềm năng phát triển cà phê đặc sản.

Xu hướng trồng xen canh đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê, sử dụng phân bón, lượng nước tưới thích hợp và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hoá học trong sản xuất cà phê đang ngày càng thể hiện rõ nét hơn tại các vùng trồng cà phê trọng điểm trong cả nước. Xu hướng này sẽ góp phần rất tích cực trong mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê của Việt Nam trong thời gian tới.

Định hướng tăng trưởng xanh

Thống kế của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, tính đến năm 2022, tổng diện tích cà phê của Việt Nam vào khoảng 710,66 nghìn ha với năng suất trung bình đạt 2,52 tấn/ha, tạo việc làm cho khoảng 350 nghìn nông hộ sản xuất nhỏ. Còn theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), với 1,83 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu niên vụ 2021/2022, tương đương 21,90% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu, Việt Nam là xuất quốc gia khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, đứng sau Brazil (với 2,48 triệu tấn, tương đương 28,19%).

Cũng theo thống kê của Cục Trồng trọt, tính đến năm 2022, có khoảng 26,14% diện tích cà phê của Việt Nam (tương đương 185,8 nghìn ha) đã được cấp các chứng nhận trong sản xuất cà phê tiêu chuẩn và bền vững; bao gồm: 4C UTZ Certified, VietGAP, Organic, Rainforest Alliance, FLO, GlobalGAP, FairTrade và HACCP. Chứng nhận trong sản xuất cà phê là tiêu chí trọng yếu trong sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản của Việt Nam để từ đó nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm cà phê. Đăk Lăk, Lâm Đồng và Gia Lai là các địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

a2-1693975171.jpg
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển cà phê Việt Nam theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững. (Ảnh minh họa)

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 45.674 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, tương đương 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh). Tỉnh Gia Lai cũng có khoảng 36.620,3 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest Alliance và Organic. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có trên 12.069 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 46.791 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận cho sản lượng 244.211 tấn. Đáng chú ý là sản lượng đối với cà phê chè Catimor của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 2.335 tấn, trong khi sản lượng cà phê vối Robusta đạt khoảng 241.876 tấn.

Mục tiêu cho tăng trưởng phát triển xanh và bền vững của cà phê Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực sản xuất cà phê bền vững nhất có thể gắn liền với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường an sinh xã hội cho các vùng trồng và sản xuất cà phê trong cả nước. Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam gắn với tăng trưởng xanh và bền vững luôn cần có các định hướng thích hợp để các cấp ngành có liên quan luôn bám sát và vận hành tốt nhất có thể. Trong đó phải kể đến:

Một là, tăng cường gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê có trách nhiệm, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn đồng thời kết hợp với nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ cà phê.

Hai là, nhất thiết phải chuẩn hoá các quy trình canh tác - sản xuất cà phê, cơ chế rõ ràng cho các hợp tác công tư, xây dựng mô hình sản xuất cà phê thành công gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để nhân rộng tại Tây Nguyên và các vùng sản xuất khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Ba là, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và quản lý trang trại cho người nông dân và các Hợp tác xã nông nghiệp - cà phê, thông qua việc chuyên nghiệp hoá các mô hình cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho nông dân từ các công ty tư nhân và cơ quan nhà nước. Gắn liền với việc sử dụng các tài liệu khuyến nông, hướng dẫn sản xuất cà phê được chuẩn hoá.

Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác chuyển đổi số gắn với phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất cà phê bền vững.

Một số khuyến nghị

Để phát triển cà phê Việt Nam theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững, một trong những giải pháp cần thực hiện là áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tái sinh - nông nghiệp thuận tự nhiên. Với ba nguyên tắc chính yếu không thể thay thế bao gồm: (1) Đa dạng cây trồng chức năng, trồng xen hợp lý, quản lý thảm cỏ che phủ, tăng cường hữu và cơ vi sinh; (2) Quản lý sức khỏe đất, phân tích mẫu đất, sử dụng hóa chất “an toàn - minh bạch - hiệu quả - trách nhiệm”; (3) Giảm thiểu hóa chất đầu vào giúp hạn chế tác hại đến đa dạng sinh học vườn trồng, ô nhiễm nguồn nước và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về giải pháp bộ giống cà phê quốc gia, cần nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam từ công tác chọn tạo giống bằng việc liên tục thực hiện công tác cải tiến giống, chọn lọc bố mẹ và tiến hành lai tạo dựa trên nguồn gốc bố mẹ xa nhau về khoảng cách di truyền, nhưng phải thuộc trong nhóm phân bố địa lý có nguồn gốc chất lượng cao. Việc lai tạo có định hướng sẽ giúp các nhà nghiên cứu chọn lọc được những giống mới có ưu thế lai cao, tổ hợp con lai tốt là nguồn vật liệu quý để chọn lọc cá thể trội hoặc con lai F1 thật sự mang tính trạng chất lượng cao, bổ sung làm phong phú nguồn di truyền cho các giống cà phê Việt Nam.

Công tác chọn giống cũng cần gắn liền với hoạt động là liên tục thu thập, đánh giá, sàng lọc nguồn di truyền phong phú trong sản xuất đối với giống cà phê vối, nhằm chọn được những cây đầu dòng trội sẵn có trong quá trình thụ phấn tự do mang lại. Đây cũng là nguồn giống mới vô cùng đa dạng và cần thiết để cung cấp giống cà phê chất lượng cao, giống chống chịu điều kiện bất lợi cho sản xuất, phục vụ phát triển cà phê chất lượng cao và bền vững cho từng vùng.

a1-1693975109.gif
Cà phê Robusta trồng ở Gia Lai có hàm lượng cafein vượt trội.

Ngoài ra cũng cần thực hiện các giải pháp trong canh tác liên quan đến bộ giống cà phê quốc gia. Trong canh tác cà phê, việc thiết kế và bố trí cơ cấu giống để trồng mới hoặc tái canh là khâu khá quan trọng, liên quan đến cả quá trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tăng chất lượng sản phẩm. Giải pháp cho vấn đề này cần phải quan tâm đến đặc tính từng giống để thiết kế trồng phù hợp, trồng riêng theo dòng nhưng đảm bảo khoảng cách để khả năng thụ phấn tốt. Bố trí hệ thống cây trồng xen hợp lý về mật độ, phù hợp về chủng loại cũng là yếu tố quan trọng trong canh tác cà phê chất lượng cao.

Đối với canh tác cà phê chè chất lượng cao, việc xác định vùng trồng phù hợp liên quan đến khí hậu, độ cao có ý nghĩa quyết định đến chất lượng sản phẩm, do đó khuyến cáo vùng trồng cà phê chè chất lượng cao cần đạt độ cao tối thiểu trên 800 m so với mực nước biển. Bên cạnh đó, việc chọn lựa giống trồng cũng cần nên đầu tư và chú trọng trong giai đoạn hiện nay, trong khi hầu hết giống đang trồng là Catimor, giống này đã và đang gặp một số trở ngại do dịch bệnh và thiếu ổn định về năng suất khi bệnh gỉ sắt đang nhiễm ở mức trung bình, chất lượng bị hạn chế hơn giống cà phê chè truyền thống do nguồn gen chi phối, tỷ lệ cây già cỗi ngày càng tăng….. Giải pháp là thay thế giống Catimor bằng một số giống mới chất lượng cao như đã giới thiệu ở phần trên (như giống lai F1 TN1, TN2; giống thuần THA1 và một số giống mới khác).

Về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành hàng cà phê một cách hiệu quả như: xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến; áp dụng tiến bộ công nghệ cao; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu cũng cần được chú trọng và quan tâm hơn. Hiện nay, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả, là một nguyên nhân dẫn đến nông sản nói chung và cà phê nói riêng của Việt Nam chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến, vị thế trong thương mại quốc tế của hàng hóa cũng thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm: thị phần, thị hiếu, chất lượng, giá cả. Từ đó, xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm (bao nhiêu phần trăm chế biến sâu, tỷ lệ sản phẩm sơ chế; tỷ lệ sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển, xây dựng chiến lược quảng bá, xác định thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh, các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu.n

TS. Lê Anh Khoa - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên