Doanh nghiệp tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo doanh nghiệp góp ý về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Đây là 2 dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2023.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề nhà đất, bất động sản luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Vì nhu cầu nhà ở nhà nhu cầu quan trọng của con người, có "an cư mới lạc nghiệp”, nên Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu của con người. Thị trường bất động sản còn đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn tại nhiều quốc gia phát triển cho thấy, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng với công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nếu thị trường bất động sản phát triển không ổn định sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhà ở, giá thuê nhà, thuê văn phòng quá cao. Thời gian qua cho thấy, giá bất động sản quá cao cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.

Cũng nói về vai trò quan trọng của 2 dự án Luật trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là 2 dự án luật quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, đựơc cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và có ý kiến, trong đó một số ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu và tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, vẫn còn một số điều khoản trong dự án luật khiến doanh nghiệp băn khoăn, mong muốn góp ý để hoàn thiện. Cụ thể, về bố cục dự thảo Luật Nhà ở có Chương 5 về quy định về Xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư và Chương 9 là Quản lý, sử dụng nhà chung cư. Hai nội dung này gần giống nhau, "nên chăng ban soạn thảo nên gộp lại cho dễ đọc hơn".

c1d1daec3857e709be46-1683880552.jpg
Hội thảo doanh nghiệp góp ý về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Hương Lan

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm, 92 điều, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã đề cập chi tiết, đầy đủ hơn những vấn đề của kinh doanh bất động sản so với Luật 2014 trước đây. Tuy nhiên, Điều 57 quy định trong dự thảo: “Các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của Luật này”, trong khi điều 60 quy định sàn giao dịch bất động sản chỉ cần có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, có năng lực về tài chính”. Quy định như vậy có cứng quá không?.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay khá nhiều chủ đầu tư là các công ty đầu tư bất động sản đều sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn. Nhưng thực tế cũng cho thấy khối lượng hàng bán được của bộ phận bán hàng tại của chủ đầu tư luôn lớn hơn lượng hàng do các sàn giao dịch bên ngoài bán được. Chi phí hoa hồng cho các sàn bên ngoài luôn ở mức gấp 2 lần phí hoa hồng cho bộ phận của chủ đầu tư tự bán. Bởi vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc có nên đưa ra thêm một nấc trung gian trong khi chúng ta đang cố gắng giảm bớt các thủ tục trung gian để giảm chi phí. Từ đó, ông Hiệp kiến nghị sửa lại Điều 57: “ Các giao dịch bất động sản phải công khai minh bạch qua các sàn giao dịch do các chủ đầu tư tự tổ chức hoặc qua các sàn giao dịch trung gian (nếu các chủ đầu tư không tự tổ chức được)”. Về tiêu chí các sàn giao dịch cũng cần cụ thể hơn, thế nào là có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu? Kể cả sàn giao dịch trực tiếp và điện tử.

Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Hiệp cho rằng, quy định bảo hành nhà ở đối với nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng và đối với nhà ở riêng lẻ thì “tối thiểu” là 24 tháng là bất cập, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại vì Luật Xây dựng quy định kể cả công trình cấp đặc biệt và cấp 1 thời gian bảo hành chỉ là 24 tháng. Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy định Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nếu góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam mà sở hữu trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó thì được xem là tổ chức nước ngoài, nếu sở hữu dưới 50% thì được xem là tổ chức Việt Nam. Vì vậy, Luật Nhà ở cũng cần áp dụng khái niệm doanh nghiệp nước ngoài như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để thống nhất áp dụng.

Đối với các hợp đồng giao dịch, theo ông Hiệp, Điều 18 điểm 14 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Không được uỷ quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở tại dự án.” Mục đích của quy định này là để ngăn chặn việc mua đi bán lại, tuy nhiên, ban ban soạn thảo cần bố sung thêm ý “trừ trường hợp bên tham gia hợp tác, liên doanh cùng có tên được công nhận là đồng chủ đầu tư trong giấy chứng nhận đầu tư".

“Cũng về hợp đồng giao dịch, Điều 20 quy định hoạt động này “áp dụng theo quy định về hợp đồng mẫu và các quy định liên quan về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản theo quy định của luật này”. Chúng tôi đề nghị làm rõ là chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ và không phải trình thêm các cơ quan khác bởi thực tế các sở công thương cũng có hợp đồng mẫu riêng và cũng yêu cầu kiểm tra hợp đồng”, ông Hiệp đề xuất.

Góp ý dự thảo Luật Nhà ở, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo quy định kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn.

Tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định “Trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản thì quyền sử dụng đất gắn với nhà ở thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở”. Mặc dù quy định này mới được bổ sung vào nguyên tắc kinh doanh nhà có sẵn, tuy nhiên chưa phù hợp, chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai. Cụ thể, về nguyên tắc việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất; tuy nhiên Luật Đất đai 2013 hay dự thảo hiện nay chưa xác định cá nhân nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam./.

Đông Nghi