Sau 5 lần ban hành, sửa đổi (vào các năm 1988, 1993, 1998, 2003, 2013) thì Luật Đất đai đã cho thấy được vai trò hết sức quan trọng khi từng bước cụ thể hóa được điều 54 của Hiến pháp nước ta “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.
Trong các đợt lấy ý kiến vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước tham gia đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Việc hầu hết các ý kiến tập trung nhiều vào các vấn đề nóng như thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, xác định giá trị đất, tài sản hóa quyền sử dụng đất, minh bạch công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…Điều này cho thấy được mức độ quan tâm, sự tập trung, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dành cho đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 sau 10 năm thực hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước.
Do đó, sửa đổi Luật Đất đai cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, kiến tạo nguồn lực, mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.
Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
Theo ông Phan Trung Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.
Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); Quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.
Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế, quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, 3 vấn đề không nên và cần được xử lý trong Dự thảo là: không nên tù mù về chủ thể sử dụng đất, không nên xử lý lắt léo về quyền và không nên chắc lép với dân.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, luật phải minh định rõ ràng, cụ thể, chính xác ai có quyền sở hữu tài sản hay quyền sử dụng đất, chứ không thể cứ tù mù mãi như hộ gia đình. Hộ gia đình có thể là 1 hoặc một số người, chứ không thể cứ mãi chung chung rồi dẫn đến tranh chấp phức tạp, vô hiệu liên miên.
Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong lúc vẫn giữ sở hữu toàn dân về đất đai và chỉ Nhà nước mới được quyền bán và định đoạt tài sản là đất đai thì hoàn toàn vẫn có thể cho dân quyền giao dịch chuyển nhượng, thế chấp đối với đất, chứ không phải chỉ là quyền sử dụng đất.
Đồng thời Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Luật cần quy định “Giá đất cụ thể” phải thoát ly khỏi Bảng giá đất. Bảng giá đất chỉ để thu thuế sử dụng đất và có thể là thuế chuyển nhượng đất. Còn “Giá đất cụ thể” để bồi thường khi thu hồi đất thì phải ly khai hoàn toàn Bảng giá đất, không bị trói buộc bởi Bảng giá đất như kiều Bảng giá đất bị trói chặt vào Khung giá đất trước kia./.