Đây là nhận định của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam trên cơ sở hàng loạt những quy định mới liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững của Liên mình Châu âu (EU).
Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và cấp bách
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngày 16/5/2023, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Đây là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững.
Theo đó, EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sôcôla, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Ngay từ giai đoạn EC dự thảo quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu với EC ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cuả Bộ chuẩn bị Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh EC đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện ngay các hoạt động để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gỗ, nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng lớn.
Các doanh nghiệp sở hữu nhiều tín chỉ carbon sẽ có nhiều cơ hội phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có thể bán tín chỉ carbon ngay tại thị trường nội địa nếu phát thải thấp hơn mức quy định của Chính phủ Việt Nam. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có mức phát thải carbon vượt mức quy định sẽ phải mua lại ở doanh nghiệp có mức phát thải thấp để đạt yêu cầu theo quy định.
Hiện nay, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là việc cấp bách vì mốc thời gian khá gần. Năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Thời gian tới, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã tổ chức 2 hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn chế biến gỗ. Chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiệp hội đã tìm nguồn tài trợ cho 5 doanh nghiệp lớn đi đầu thực hiện chuyển đổi xanh, với mức hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng/doanh nghiệp để chuyển đổi xanh”.
Cần hành động đồng bộ từ bộ ngành tới các địa phương
Theo ông Phùng Đức Tiến, để triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR. Trong đó tập trung vào 3 nội dung.
Thứ nhất, giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Thứ hai, xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện việc chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào EU, theo yêu cầu của EC.
Thứ ba, giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có phái đoàn EU tại Việt Nam) xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng.
Dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững. Cần phải xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Mặt khác, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng; hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR”.
Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về vấn đề sản xuất giảm phát thải, trong quý 1 năm 2024, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn cho khoảng 6 doanh nghiệp lớn của ngành về sản xuất giảm phát thải như: sản xuất tuần hoàn; sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ; liên kết chuyển đổi số để mang lại giá trị gia tăng cao và phát thải thấp… coi đây là tiêu chuẩn quan trọng của xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang các thị trường.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ Việt Nam Xanh của ngành gỗ để đảm bảo ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đặc biệt nhất là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ cho trồng rừng, nhất là ở những khu vực có nguy cơ hủy hoại môi trường, nhằm bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó sẽ phối hợp với các Bộ: Công Thương, Ngoại giao để doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp mở các Văn phòng, kho hàng tại các trung tâm thương mại lớn, đặc biệt là ở thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ.
“Phát triển thị trường gỗ Việt Nam chủ yếu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, giảm phát thải, đảm bảo hạ tầng sản xuất cộng với thị trường không xây dựng được tốt thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất lớn xuất khẩu xây dựng hình ảnh sản xuất giảm phát thải, trong đó có chuyển đổi xanh trên nền tảng số, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp thông qua áp dụng các công nghệ”, ông Đỗ Xuân Lập nói./.