Doanh nghiệp logsitics cần nắm bắt sự thay đổi của thị trường để “vượt gió ngược” 2023

Theo các chuyên gia, “gió ngược” với ngành logistics năm 2023 là sự suy thoái kinh tế tiếp tục do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh nước lớn và phân cực địa chính trị, kinh tế suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, lạm phát gia tăng, giá dầu leo thang…tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.

Bảng xếp hạng của Agility 2022 đánh giá, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho thấy, quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 700 tỷ USD vào giữa tháng 12, xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Con số này cũng ghi nhận sự bận rộn của dịch vụ logistics trong việc phục vụ luân chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Sự sôi động của hoạt động lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đã thể hiện ở kết quả kinh doanh rất tích cực của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành logsitics. Các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn sau đại dịch để đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 12 - 15%.

logistics-1672354810.jpg
Doanh nghiệp logsitics cần nắm bắt sự thay đổi của thị trường để “vượt gió ngược” 2023. (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát của Vietnam Report, 68,4% doanh nghiệp logsitics cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đến 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể. Còn theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, có 64,7% doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, từ thiếu vỏ rỗng container để chở hàng, thì cả thế giới dư thừa hơn 6 triệu TEU. Điều đó báo hiệu một năm 2023 khó khăn cho ngành dịch vụ logistics.

Đánh giá về ngành logistics năm 2023, tại Tọa đàm “Dự báo kinh tế - vượt “cơn gió ngược” 2023”, ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, những khó khăn với ngành logistics là sự suy thoái kinh tế tiếp tục do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh nước lớn và phân cực địa chính trị, kinh tế suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, lạm phát gia tăng, giá dầu leo thang…tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics. Cùng với đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại, xanh hoá logistics…dần trở thành yêu cầu tất yếu, tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics. Đơn cử như việc đánh thuế carbon mới đây của châu Âu.

Do đó, Phó Chủ tịch AFFA nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị những kịch bản ứng phó, cần tìm ra bước đi mới cho vấn đề sụt giảm đơn hàng từ kinh nghiệm và tính chịu đựng, thích ứng để phát triển trong thời gian khó khăn của đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Đào Trọng Khoa cũng đề xuất chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics để vượt qua khó khăn thách thức trong năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần thay đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất nhập khẩu gia tăng nhưng chủ yếu của các doanh nghiệp FDI. Điều này đặt ra vấn đề doanh nghiệp logistics không tham gia được vào chuỗi của các doanh nghiệp FDI. Vì vậy Chính phủ cần chính sách phát triển các doanh nghiệp xứng tầm, có cơ chế ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thuế cho việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp.

Cùng với đó, phát huy vai trò của các Hiệp hội logistics như Hiệp hội quốc gia VLA, các hiệp hội địa phương HPLA, HLA, HNLA hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc tiến hành các giải pháp công nghệ như E-DO, EB/L tạo ra “bước nhảy” có lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về phía nhà nước Lãnh đạo VLA cũng nhấn mạnh các giải pháp về triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về logistics và các Chương trình phát triển năng lực thực tế. Các Chiến lược, chương trình cần được cụ thể hơn cũng như có nguồn lực cho việc thực hiện các Chiến lược này.

Đồng thời, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển công nghệ, đơn cử như với quỹ phát triển công nghệ quốc gia, đề xuất có chương trình đặc biệt cho logistics trong đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản đảm bảo mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ - đúng theo tinh thần của quỹ. Các địa phương cũng cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
 

Hương Lan (t/h)