Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tháng 3, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có hơn 3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Ngược lại, tháng 3 cũng ghi nhận 4.139 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.980 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực về tình hình đơn hàng quý 1/2024, nhưng phần lớn doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đều nhận định, thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức với các yếu tố khó lường.
Theo Tổng cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa trong quý 1 cao hơn khoảng 4.700 đơn vị so với thành lập mới.
Trong khi đó, những tháng qua tín dụng tăng trưởng vẫn rất thấp. Hầu như chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng tín dụng tăng trưởng âm như trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho hoạt động tín dụng năm nay là tăng 15%.
Đồng thời, theo kết quả khảo sát, yếu tố gây cản trở doanh nghiệp nhiều nhất là nhu cầu nội địa vẫn còn thấp (55%), cạnh tranh nội địa cao (50%), và họ vẫn gặp khó về vốn (30.4%).
Từ thực tế trên, bên cạnh vẫn chú trọng, quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, muốn phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng, phải tìm cách thúc cầu nội địa. Với quy mô dân số nước ta hơn 100 triệu người, chưa kể năm 2024 đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, cần quan tâm tiếp sức từ khâu chính sách trên thị trường nội địa bằng cách nên tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu. Và điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.
Đặc biệt, cần thêm trợ lực về vốn để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường. Ghi nhận hết quý 1/2024, quá nửa số doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.
Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải biển, tỷ giá đồng USD đang tăng mạnh, kéo theo chi phí gia tăng. Các cơ quan cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp.../.