Ngày 29/3, tại Bình Thuận, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính và Viện Konrad Adenauer Stiftung - Cộng hòa Liên Bang Đức đã phối hợp tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69)”.
Có trên 800 doanh nghiệp có vốn Nhà nước tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, khi tổng kết Luật quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2021, cả nước đã có trên 800 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm khoảng 33% tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp chúng ta hiện nay, khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp này khoảng 1,67 triệu tỷ.
Tuy nhiên, những con số nêu trên cũng chưa thể hiện hết được tầm vóc, sự quan trọng, ý nghĩa của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế, đối với đất nước trong những năm vừa qua. Vai trò này càng được thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn ví dụ như giai đoạn trong và sau dịch bệnh Covid19.
Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động của DNNN là Luật quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, đến nay cũng đã được ban hành gần 10 năm. Hành lang pháp lý của Luật cũng tạo được một khuôn khổ trong việc quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu, bối cảnh hội nhập cũng như chủ trương tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, với các hoạt động, vận hành của Luật này trong những năm vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều các tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng trong việc xây dựng một khuôn khổ, một khu vực doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng.
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực sự tách bạch, chưa phân định được một cách rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa có được một sự chủ động, chưa có được một hành lang để cho các doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường. Việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá khả năng bảo toàn vốn của doanh nghiệp cũng chưa phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp nhà nước…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật 69, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cho thấy sự cần thiết và tương đối cấp bách của việc sửa đổi một cách căn bản và toàn diện của Luật 69 của Quốc hội.
Thừa nhận cần sửa Luật, tuy nhiên bà Phạm Thúy Chinh cũng cho rằng “Đây là một Luật rất khó, rất nhiều chiều và giải quyết cùng một lúc rất nhiều mục tiêu, do đó cần đánh giá, cần nghiên cứu cần thiết kế một khuôn khổ pháp lý mới một cách hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong thời gian vừa qua”.
Cho ý kiến tại Hội thảo, ông Florian Feyerbend cũng hoàn toàn đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật để phù hợp với những thay đổi mang tính đột phá của nền kinh tế Việt Nam sau gần 10 năm Luật được ban hành.
Đại diện Viện Konrad cũng cho rằng, những DN có vốn đầu tư của Nhà nước đang hoạt động rộng khắp các lĩnh vực và trải dài hầu hết các địa phương trong cả nước. Những DN này đang tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Việc điều chỉnh Luật 69 sẽ có tác động rất lớn đến các DN nêu trên, người lao động và cả địa phương nơi DN có trụ sở. “Do đó, tại buổi hội thảo hôm nay có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, cả những nhà lập pháp để chúng ta có thể thảo luận những nội dung nào Luật có thể điểu chỉnh”.
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Tại Hội thảo, trước khi điều hành thảo luận phiên thứ nhất, đại diện cơ quan soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã trình bày về quá trình triển khai xây dựng hồ sơ dự án Luật. Theo đó, đến nay đề nghị xây dựng Luật thay thế Luật 69/2014/QH13 chưa được UBTVQH/Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Bộ Tài chính đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tập trung quyết liệt và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy trình, trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng.
“Đến nay, cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật theo quy định”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.
Về quan điểm xây dựng Luật, Thứ trưởng cho biết thêm, cơ quan soạn thảo thực hiện đảm bảo các nguyên tắc: (1) Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; (2) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan; (3)kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định phù hợp của pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; (4) cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; (5) đảm bảo các nguyên tắc về đầu tư vốn, quản lý thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”; nhà nước đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước theo cơ chế thị trường, có giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý; tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; Nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.
Trao đổi những kinh nghiệm từ CHLB Đức, ông Leif Dustin Schineider, Phó Chủ tịch Tiểu ban pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết theo kinh nghiệm tại Đức, việc sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp thương mại có thể mang lại những lợi ích nhất định như giúp kiểm soát đầu tư chiến lược; tăng cường sự ổn định của thị trường; thúc đẩy lợi ích công cộng. Tuy nhiên, việc này cũng mang lại không ít rủi ro như sự kém hiệu quả hay quan liêu trong quản trị; trì hoãn hoặc thiếu sự đổi mới sáng tạo; sự can thiệp chính trị quá mức và bóp méo cạnh tranh thị trường công bằng.
Do đó, theo Leif Dustin Schineider, khi sửa Luật 69, Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và hạn chế những cạm bẫy của sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp thương mại bằng cách: Thực hiện cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình; Thực hiện quản lý và giám sát chặt chẽ; Tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị và cơ cấu “Bằng cách tuân theo những hướng dẫn này, các DNNN có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại giá trị cho các bên liên quan và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Leif Dustin Schineider nhấn mạnh.
Cho ý kiến thêm về nội dung nhà nước nên đầu tư vào đâu và làm gì? TS Trần Văn, Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội khóa XIV nêu quan điểm: chỉ cần phân loại 2 nhóm DN để đầu tư đó là nhóm DN cạnh tranh trên thị trường bình đẳng để phát triển và nhóm doanh DN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển KHCN, chuyển đổi số quốc gia và năng lượng trong KHCN, những DN phát triển hạ tầng then chốt hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. “Có thể NN kiểm soát việc đầu tư vào các loại hình DN này theo các chương trình, dự án”. TS Trần Văn đề xuất.
Góp ý vào cách tiếp cận xây dựng Luật, GS.TS Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội khóa XIV cho rằng, ban soạn thảo nên nghiên cứu và sửa đổi dự án Luật dựa trên nền của Luật hiện hành và cập nhật những vấn đề mới nảy sinh phát sinh, tổng kết, luật hóa các quy định dưới Luật để khi Luật được thông qua tạo hành lang pháp lý và đem lại hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Trong khi đó, ý kiến từ GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, ĐB Quốc hội khóa XV và ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội khóa XIV cho rằng cần nghiên cứu các quy định để có thể giữ được lương cán bộ “lương cán bộ thấp hơn lương thị trường, vậy lương DNNN phải sát với thị trường mới giữ được cán bộ”.
Góp ý chi tiết vào các nội dung tại dự thảo, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc công ty Tân Cảng đề nghị đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên cơ sở tổng thể, mục tiêu dài hạn của DN, không tách bạch đánh giá theo từng dự án đầu tư để từ đó phát huy tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của DN.
Bên cạnh đó, cho phép DNNN kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được phép giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vào vốn điều lệ được duyệt nhằm phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…
Kết luận tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tham dự tại Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng để các cơ quan xây dựng và thẩm tra sẽ tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật./.