Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn

Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
nha-lien-ke-480-1710411021.jpg
Để gỡ khó cho thị trường BĐS, doanh nghiệp mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Ảnh minh họa

Trong báo cáo về tình hình nhà ở và thị trường BĐS công bố mới đây, Bộ Xây dựng cho biết tính đến cuối quý IV-2023, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh BĐS đạt gần 1,03 triệu tỷ đồng. Như vậy, nguồn tài chính đổ vào thị trường này bắt đầu sôi động hơn và ghi nhận mức tăng so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng thị trường địa ốc vẫn còn nhiều thách thức bởi các DN BĐS gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng, trong khi hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng như các nguồn vốn từ khách hàng, dẫn đến tình trạng thiếu vốn để triển khai dự án. Đáng chú ý, tuy mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM gần đây có xu hướng giảm, song các DN BĐS không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này.

Do đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng, trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất là sát sao, cụ thể. Đã mang lại nhiều tác động tích cực như: Bênn cạnh việc tháo gỡ về chính sách thì Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các chính sách tiền tệ hỗ trợ kinh tế, nhất là việc duy trì lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay và thực tế chúng tôi đã được vay với lãi suất giảm rất là nhiều so với năm ngoái.

Thứ hai là Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giao các hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm giúp cho các ngân hàng thương mại và chúng tôi hợp tác có những kế hoạch ngay từ đầu năm để phục vụ khách hàng.

Thứ ba là Thông tư 22/2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh giảm hệ số rủi ro một số khoản vay giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm dư địa cho việc hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội và các dự án bất động sản công nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

dangminhtruong-1710411021.jpg
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group. Ảnh Nhật Bắc

Liên quan đến tỷ giá thì trong những ngày vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỷ giá giúp cho hoạt động kinh doanh của Sun Group cũng có những tác động rất là tích cực.

Bên cạnh đó thì các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi các địa phương để tháo gỡ kịp thời rất nhiều các dự án cụ thể về bất động sản. Chính những chỉ đạo sát sao, nhất quán của Chính phủ sẽ tiếp tục giúp nền kinh tế phục hồi bền vững và ổn định.

Tuy nhiên để đẩy nhanh tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Sun Group xin có một số đề xuất. Trước hết, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Và cuối cùng Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi./.

Hương Lan