Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh

Kết thúc năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 và chiếm khoảng 16% vốn đầu tư của 63 tỉnh thành cả nước (36,6 tỷ USD). Thành công đó có vai trò của môi trường đầu tư thuận lợi, trọng thị doanh nghiệp.
1-1711015275.jpg
TP. Hồ Chí Minh luôn khẳng định được vai trò, vị trí là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Được sự hỗ trợ của Trung ương, và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong năm 2023, Thành phố đã bình tĩnh đối phó với các cơn gió ngược, tìm ra các điểm nghẽn, đề ra các giải pháp phù hợp, tập trung giải quyết các công tác liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Ngay từ đầu năm 2023 Thành phố đã có sự chuẩn bị và dự báo rất sát những khó khăn về tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Đồng thời, Thành phố luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, mở ra cơ hội thúc đẩy Thành phố phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trong đó, Thành phố luôn đồng hành cùng các Hiệp hội doanh nghiệp với những hành động và chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Kết thúc năm 2023, Thành phố đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 và chiếm khoảng 16% vốn đầu tư của 63 tỉnh thành cả nước (36,6 tỷ USD). Đây là một điểm sáng của môi trường đầu tư Thành phố, khẳng định việc thực thi các cam kết của lãnh đạo Thành phố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phần lớn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lựa chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài với 1.109 dự án chiếm 86,52% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là hình thức liên doanh với 90 dự án chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư, còn lại là hợp đồng hợp tác kinh doanh với 3 dự án chiếm 0,51% tổng vốn đầu tư”.

“Thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, Thành phố hy vọng những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Thành phố sẽ sớm được giải quyết. Ngoài ra, Thành phố đang cho thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố là cơ quan thường trực nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài tháo gỡ các điểm nghẽn, đề ra các giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Trong năm 2023 với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, tạo động lực mới trong thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của Thành phố; đẩy nhanh tiến độ hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. Chính quyền Thành phố đang nỗ lực triển khai các cơ chế chính sách được trao, tận dụng tốt nhất các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh tại Thành phố sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024 và những năm sắp tới, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế Thành phố và sự thịnh vượng của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ: “Những đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tổng đầu tư toàn xã hội Thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế Thành phố và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm khoảng 23% GDP cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trong thu hút đầu tư FDI, Thành phố cũng đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động; về liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa chưa cao. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng”.

2-1711015326.jpg
3-1711015348.jpg
4-1711015373.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi gặp gỡ lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tiêu biểu năm 2024.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá cao nền kinh tế năng động cũng như những nỗ lực của chính quyền Thành phố trong việc tạo ra cơ chế hòa nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đồng thời, góp ý về các lĩnh vực quan trọng cần sớm có giải pháp cải thiện triệt để, cụ thể như: Cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách thuận lợi hơn; cải cách giáo dục đại học, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và thể chất; thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và kho vận; cải thiện hạ tầng giao thông; đơn giản hóa chính sách visa làm việc và kinh doanh; thiết lập thị trường tín chỉ carbon, xây dựng khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 98 và khung chính sách toàn diện cho sự phát triển xanh của Thành phố với tầm nhìn đến năm 2050; cũng như cần sớm có biện pháp hiệu quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ đầu tư trong sản xuất công nghiệp nguyên liệu, thiết bị hỗ trợ.

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cho biết: “Trong năm 2023, với vai trò là Trưởng Ban điều hành hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền Thành phố, ITPC đã chủ trì và tích cực phối hợp với các Sở, Ban ngành, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức các hoạt động đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp nhằm lắng nghe và tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tập trung tháo gỡ, giải quyết, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền Thành phố đã tiếp nhận, điều phối và giải đáp hơn 492 câu hỏi của doanh nghiệp, trong đó có 362 câu hỏi của doanh nghiệp trong nước và 130 câu hỏi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức đối thoại trực tuyến”.

“Riêng hình thức đối thoại trực tiếp, ITPC đã chủ trì, phối hợp các Sở, Ban ngành tổ chức 19 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thu hút 3.777 lượt doanh nghiệp tham dự, bao gồm 2.311 doanh nghiệp trong nước và 1.466 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tại các hội nghị trực tiếp, các Sở, Ban ngành Thành phố đã trao đổi, giải đáp hơn 1.377 câu hỏi, trong đó có 761 câu hỏi của doanh nghiệp trong nước và 616 câu hỏi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Trần Phú Lữ cho biết thêm.

Với những kết quả đạt được trong năm 2023, chính quyền TP. Hồ Chí Minh mong muốn được tiếp tục đồng hành, lắng nghe những đề xuất, chia sẻ, tiếp tục nỗ lực trong cải cách hành chính, phát triển hạ tầng, tăng cường hợp tác với các Hiệp hội doanh nghiệp nhiều hơn nữa, giúp nâng cao tính chủ động, khắc phục các hạn chế, cũng như khai thác tối đa những lợi thế của Thành phố; qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài và gia tăng quy mô xuất khẩu của các sản phẩm Made in Vietnam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong năm 2024./.

Đạm Quang Lê