Doanh nghiệp cần quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong hợp tác kinh doanh

Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong năm 2023, có 427 vụ tranh chấp hợp tác kinh doanh, tăng so với 292 vụ năm 2022. Các lĩnh vực tranh chấp chủ yếu bao gồm mua bán hàng hóa, xây dựng, tài chính ngân hàng và thương mại. Trong bối cảnh hợp tác sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các vấn đề rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp phải đối mặt ngày càng gia tăng.
1-1717213821.jpg
Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội nghị.

Nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý trong hợp tác kinh doanh, ngày 31/5/2024, Trung tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội nghị tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh”.

Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 

Hội nghị tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh” được tổ chức nhằm trang bị cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý. Đồng thời, hội nghị cũng cung cấp thông tin về các thay đổi trong bối cảnh, chính sách và môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Hội nghị, các diễn giả đã trình bày, chia sẻ cho doanh nghiệp những kiến thức, thông tin giá trị, hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn trong quá trình sản xuất kinh doanh với các nội dung: Khái quát về hợp đồng hợp tác kinh doanh và một số yếu tố cần chú ý; đàm phán, xây dựng và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. 

2-1717213853.jpg
PGS. TS. Dương Anh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin cần lưu ý đối với doanh nghiệp khi đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ: “Với cơ chế hợp tác linh hoạt và do các bên tự thỏa thuận, hợp đồng hợp tác kinh doanh là lựa chọn phù hợp cho các cá nhân, doanh nghiệp trong hợp tác đầu tư mà không cần thiết phải thành lập một pháp nhân mới, nhằm tiết giảm chi phí cho dự án. Để tối ưu hóa các ưu điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có quá trình thương thảo cẩn trọng, chi tiết và chuẩn mực về pháp lý trong từng điều khoản của hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về: Mục tiêu của dự án, cơ chế quản trị, vận hành và giám sát dự án, cơ chế giải quyết bất đồng và tranh chấp, dự liệu cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai”.

PGS. TS. Dương Anh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Việc hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư 2020, theo đó: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế; Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư”.

3-1717213897.jpg
LS Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC chia sẻ thông tin đối với doanh nghiệp việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh là điều khó tránh khỏi nếu không đàm phám, thống nhất giữa các bên liên quan trước khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nền kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau, các quan hệ kinh doanh, thương mại ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Với mục đích tìm kiếm lợi nhuận không chỉ là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình mở rộng các giao lưu kinh tế mà còn là sự sinh tồn của các chủ thể trong kinh doanh. Hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức kinh tế nảy sinh từ các quan hệ kinh doanh, thương mại như: Ký kết hợp đồng; quan hệ giữa các công ty và các thành viên công ty trong việc thành lập, giải thể công ty.

4-1717213964.jpg
Đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh”.

LS. Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh: “Sự cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường, ở đó các chủ thể kinh doanh luôn muốn tốt đa hóa lợi nhuận, người tiêu dùng thì luôn muốn mua hàng hóa, dịch vụ với mức giá thấp nhất. Nên trong hoạt động kinh doanh luôn phát sinh tranh chấp. Giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại được coi như là một nhu cầu tất yếu và việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho phù hợp, hiệu quả, ít tốn kém là rất cần thiết đối với các bên tranh chấp”.

Thông qua chương trình này, ITPC hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững./.

Đạm Quang Lê