Doanh nghiệp luôn quan tâm đến quy định, thủ tục hải quan
Ngày 25/4/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp Cục Hải quan Thành phố đã tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố nhằm phổ biến quy định của pháp luật, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách thuế và chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Đây cũng là hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 244 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố.
Tính từ năm 2002 đến nay, Cục Hải quan Thành phố đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức 66 Hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 17.250 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 2.706 câu hỏi của doanh nghiệp.
Đối thoại lĩnh vực hải quan luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, Hội nghị này đã thu hút hơn 350 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 50 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về giám sát hải quan; trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan; hạn ngạch thuế quan xuất nhập khẩu; đăng ký, sửa chữa, bổ sung tờ khai hải quan; xuất nhập khẩu tại chỗ; quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan; công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy với hàng hoá xuất nhập khẩu; thủ tục hải quan khi sáp nhập doanh nghiệp.
Những câu hỏi và giải đáp thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc
Tại Hội nghị Đối thoại, đại diện Công ty TNHH May thêu Thuận Phong nêu câu hỏi: Hiện thuế lấy ngày ghi nhận doanh thu là ngày qua khu vực giám sát của Hải quan, nhưng hiện tra cứu ngày qua khu vực giám sát hải quan rất cực với lý do doanh nghiệp chúng tôi phải tra cứu từng tờ khai một, trong khi đó doanh nghiệp chúng tôi có rất rất nhiều tờ khai mà mỗi lần lên trang web của Hải quan lấy được tờ khai là cả một vấn đề lớn như: Lỗi phần mềm hải quan, kẹt mạng, lỗi MP, lên được con mắt hải quan, căn cước công dân sai, mã số thuế sai. Trong khi mã số thuế, căn cước công dân đã nằm trong lòng của doanh nghiệp, và vướng mắc nữa là các tờ khai của nhiều ngày trước đó cũng chưa có ngày qua khu vực giám sát.
Doanh nghiệp đề xuất Hải quan cũng có một báo cáo các tờ khai đã qua khu vực giám sát, hoặc cho doanh nghiệp lên trang lên web của Hải quan được quyền đăng nhập mã số thuế công ty, căn cước công dân của người đứng đầu có thể đổ các tờ khai từ ngày đến ngày như báo cáo của bên thuế, về hoá đơn, về dữ liệu qua khu vực giám sát tờ khai của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Từ 2014 đến này, thực hiện chủ trương của ngành, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm vận hành hệ thống cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đây là hệ thống “đóng”, không tích hợp được với các hệ thống thông tin nghiệp vụ của Hải quan Việt Nam khiến việc tích hợp, trao đổi, xử lý thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống ngày càng hạn chế. Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp và có đề xuất lên Tổng cục Hải quan để có kế hoạch cải thiện các vấn đề nêu trên trong quá trình hỗ trợ các thủ tục với doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ABZ nêu câu hỏi: Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn liên quan về việc lệch số cân thực tế tại kho xuất sân bay và tờ khai hải quan dù tỉ lệ lệch thấp.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Thuỳ Dung - Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan - Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh trả lời: Về việc giải quyết thủ tục hải quan trong trường hợp chênh lệch trọng lượng giữa thực tế hàng hoá xuất khẩu và trọng lượng khai báo trên tờ khai Hải quan (đường hàng không), công chức đã thực hiện đúng quy định, quy trình thủ tục hải quan hiện hành. Cụ thể thực hiện theo các quy định sau:
+ Điều 52b, Khoản 2 Điều 52c (trường hợp chưa kết nối Hệ thống) Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung tại Điều 01 Thông tư 39/2018/ TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
+ Quy trình Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu ban hành kèm theo quyết định 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan.
+ Công văn 6121/TCHQ-GSQL ngày 18/10/2018 về việc xử lý vướng mắc tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC.
Tại điểm 5 công văn 6121/TCHQ-GSQL ngày 18/10/2018 có hướng dẫn: “Trừ trường hợp lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan dừng hàng qua khu vực giám sát theo quy định. Người khai hải quan không phải khai bổ sung với cơ quan hải quan đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng nhưng không ảnh hưởng đến số lượng hàng hoá xuất khẩu, chính sách thuế và chính sách mặt hàng”. Trong quá trình thực hiện, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã thực hiện:
Đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng nhỏ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã căn cứ nội dung khai báo về mặt hàng, số lượng để xác định thuộc hoặc không thuộc trường hợp phải khai bổ sung.
Đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng lớn, công chức Chi cục Hải quan báo cáo lãnh đạo phụ trách, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Nếu nội dung giải trình hợp lý, công chức không yêu cầu doanh nghiệp phải khai bổ sung.
Nếu nội dung giải trình không hợp lý, công chức yêu cầu doanh nghiệp phải khai bổ sung theo quy định. Có một số trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công chức đã đề xuất lãnh đạo Chi cục ban hành thông báo dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.
Việc phát hiện những sai lệch bất thường giữa khai báo và thực tế về trọng lượng đối với hàng hoá xuất khẩu qua đường hàng không cũng là một trong những dấu hiệu nghi vấn trong công tác kiểm soát về việc vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý, hàng cấm,… nhất là hiện nay tình hình vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý, hàng cấm qua đường hàng không ngày càng nhiều, thường xuyên và thủ đoạn tinh vi. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong thời gian qua đã phát hiện, bắt giữ và chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ ma tuý xuất qua đường hàng không.
Trong quá trình thực thi công vụ, công chức luôn thực hiện và hướng dẫn doanh nghiệp, người vận chuyển tuân thủ các quy định nêu trên đồng thời tuyên truyền đến doanh nghiệp ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật khi làm thủ tục hải quan; xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trong thực tế nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, báo cáo lãnh đạo khi phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp, không để xảy ra trường hợp gây thiệt hại cho doanh nghiệp (như chậm xử lý dẫn đến trễ, rớt chuyến bay...).
Bên cạnh đó, lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở cán bộ công chức thực hiện đúng quy định, quy trình, về thái độ ứng xử trong giao tiếp với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người vận chuyển và các đơn vị có liên quan.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các địa điểm làm thủ tục của các bộ phận nghiệp vụ đều có niêm yết số điện thoại lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo Đội và đường dây nóng của ngành để doanh nghiệp có thể liên hệ khi cần thiết.
Ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của nội ngành Hải quan, nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Hải quan với vai trò là đầu mối chủ trì, đã nỗ lực triển khai các giải pháp để cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu./.