Doanh nghiệp Bến Tre đổi mới công nghệ chế biến dừa

Với nhiều loại hình và quy mô sản xuất khác nhau, tọa lạc tại vùng đất có nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre phát triển khá nhanh và toàn diện, công nghệ chế biến đã vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là thủ phủ dừa của cả nước với hơn 74.000 ha diện tích trồng dừa, cho sản lượng 600 triệu trái/năm và giữ vị trí hàng đầu về chất lượng. Cây dừa đã được tỉnh Bến Tre xác định là cây trồng chủ lực trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu.

keo-dua-16536250344121457506588-1653638304.jpg
Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, qua khảo sát các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ vốn khuyến công năm 2022 do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) thực hiện cho thấy khoảng hơn 70% các doanh nghiệp đăng kí hỗ trợ vào ngành nghề sản xuất và chế biến dừa. Với nhiều loại hình và quy mô sản xuất khác nhau, tọa lạc tại vùng đất có nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre phát triển khá nhanh và toàn diện, công nghệ chế biến đã vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Một số sản phẩm được chế biến từ dừa như: Kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa/nước dừa đóng hộp, dầu dừa, mỹ phẩm từ dừa, chỉ xơ dừa… Bên cạnh đó, Bến Tre cũng nổi tiếng về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ dừa (gáo dừa, cọng dừa, trái dừa…) rất được khách du lịch ưa chuộng. Những sản phẩm này đã xuất khẩu sang 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quan trọng cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Đổi mới công nghệ sản xuất

Cũng theo Sở Công Thương Bến Tre, để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm cho ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao và rất được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Có doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT (Ultra-high temperature processing) và ép lạnh, cho phép giữ nguyên hương vị tươi ngon của nước dừa mà không cần đến sự can thiệp của chất bảo quản hay chất tạo màu.Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, các sản phẩm từ dừa vẫn có thể xuất khẩu đều đặn với doanh thu không bị giảm sút. Hầu hết doanh nghiệp duy trì sản xuất "3 tại chỗ", người lao động tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K về phòng ngừa COVID-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa có thể ổn định mức thu nhập để trang trải cuộc sống cá nhân và gia đình.

Sở Công Thương cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương không ngừng hỗ trợ nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư quy trình sản xuất chế biến với quy mô lớn, công nghệ hiện đại để cho ra thị trường những sản phẩm đa dạng và giá trị gia tăng cao. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.