Đoàn công tác tỉnh Kon Tum học tập kinh nghiệm thành lập, điều hành Nông hội, Hội quán và Hợp tác xã tại Đồng Tháp

Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Kon Tum do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về trao đổi, học tập kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thành lập, điều hành, triển khai hoạt động mô hình Nông hội, Hội quán và Hợp tác xã tại tỉnh Đồng Tháp. Tiếp, làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, địa phương liên quan của tỉnh Đồng Tháp.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 129 Hội quán với 6.641 thành viên, hoạt động đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột,... Đã có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán và 2 Hội quán đã thành lập Công ty.

01-11-2022-t41-1667464026.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng quà lưu niệm tại buổi làm việc.

Tỉnh Đồng Tháp chưa có chính sách riêng để hỗ trợ cho các Hội quán; tuy nhiên, từ nhu cầu của Hội quán, các cơ quan liên quan và các địa phương của tỉnh đã quan tâm thực hiện các hình thức hỗ trợ, như: Hỗ trợ sinh hoạt định kỳ; hỗ trợ dụng cụ phục vụ sản xuất; hướng dẫn về điều kiện cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xây dựng, phát triển mô hình du lịch phù hợp với tình hình hoạt động... Đồng thời, Tổ tư vấn Kinh tế tập thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập HTX từ mô hình Hội quán; hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các HTX; hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các mô hình công nghệ trong sản xuất theo quy chuẩn gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...

Tại buổi làm việc, các cơ quan, địa phương liên quan của tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ với đoàn công tác Kon Tum một số nội dung về việc thành lập mô hình Hội quán; chủ trương, chính sách của địa phương nhằm thúc đẩy Hội quán, Hợp tác xã nông nghiệp hợp tác - liên kết - thị trường.

Phát biểu ý kiến tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ, thay mặt Đoàn cảm ơn sự quan tâm đón tiếp, bố trí làm việc của tỉnh Đồng Tháp dành cho đoàn, Kon Tum rất ấn tượng với kết quả phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp. Chính vì thế, trong chuyến công tácvà làm việc tại Đồng Tháp, đoàn Kon Tum muốn thăm và nghiên cứu thực tế một số hợp tác xã có sự kết nối sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp tiêu biểu như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, thăm Canh Tân Hội quán, làng hoa kiểng Sa Đéc, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2... để nắm được cách thức tổ chức, hình thức hoạt động, từ đó nghiên cứu, áp dụng vào thực tế địa phương.

Trong khi đó, chia sẻ với Đoàn công tác tỉnh Kon Tum về công cuộc khai phá thành công Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Công cuộc này đã góp phần giúp địa phương trở thành tỉnh nông nghiệp với nhiều thế mạnh về sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn trái, nhất là gần đây tỉnh đang khôi phục phát triển ngành hàng sen.

dong-thap-kon-tum-1667360123-1667464026.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Hiện, Đồng Tháp đang tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó hoạt động của hội quán và hợp tác xã luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Đây là 2 mô hình tập hợp được nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực của người dân; khuyến khích cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ, hướng đến giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đồng thời rút bớt lao động trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung thay đổi tư duy của người nông dân “từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”; phát triển các sản phẩm chế biến từ nông sản, làng nghề…”

Với tinh thần trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ với đoàn công tác Kon Tum một số nội dung về việc thành lập mô hình Hội quán; chủ trương, chính sách của địa phương nhằm thúc đẩy Hội quán, Hợp tác xã nông nghiệp hợp tác - liên kết - thị trường...

Thiên Kim