Điều tra thực trạng 53 dân tộc thiểu số để có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Từ ngày 1/7 đến 15/8, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Kết quả của cuộc Điều tra sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.
dieu-tra-dan-toc-thieu-so-2-1719563009.jpg
Kết quả cuộc điều tra được xử lý kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, chính xác là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030 nhanh, bền vững để "không ai bị bỏ lại phía sau".(Ảnh minh họa)

Cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... Đây cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê Quốc gia và Hệ thống Chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Theo đó, cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 1/7 - 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Hà Tĩnh).

dieu-tra-dan-toc-thieu-so-1-1719562992.jpg
Phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang. (Nguồn: TTXVN)

Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10 - 49 tuổi và các thông tin về người chết; nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc chủ yếu; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

Bên cạnh đó, nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

Tiêu chí xác định địa bàn điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 đã thay đổi so với trước đây. Theo đó, địa bàn điều tra được quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước.

Với sự đổi mới trên, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện năm 2019 (theo danh mục hành chính tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) lên 472 huyện; trong đó, nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.

Nhằm thực hiện thành công Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024, công tác chuẩn bị được Tổng cục Thống kê thực hiện bài bản, kịp thời. Đặc biệt, Tổng cục Thống kê tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc điều tra.

Điều tra để có chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Tổng cục trưởng, Nguyễn Trung Tiến cho biết, đây là cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Điều tra viên là lực lượng trực tiếp tiếp cận các hộ dân tộc thiểu số, cán bộ UBND xã để thu thập thông tin. Kết quả thu thập thông tin đầu vào của điều tra viên là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của kết quả cuộc điều tra.

Do đó, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố đã lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, nắm bắt tốt nghiệp vụ điều tra, sử dụng thành thạo máy tính bảng, điện thoại để thực hiện phiếu điều tra điện tử (CAPI). Đặc biệt các điều tra viên được lựa chọn là những người am hiểu văn hóa của người dân tộc thiểu số và địa bàn được phân công thực hiện điều tra.

dieu-tra-dan-toc-thieu-so-3-1719563102.jpg
Điều tra viên là lực lượng trực tiếp tiếp cận các hộ dân tộc thiểu số, cán bộ UBND xã để thu thập thông tin. Kết quả thu thập thông tin đầu vào của điều tra viên là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của kết quả cuộc điều tra. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được quan tâm, chú trọng trong tổ chức thực hiện Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin cho điều tra viên, Tổng cục Thống kê đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Trung ương và địa phương.

Tổng cục Thống kê cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 đã hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ ra quân vào sáng ngày 1/7 sắp tới.

“Kết quả cuộc điều tra được xử lý kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, chính xác là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030 nhanh, bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Tổng cục trưởng, Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh./.

Bình Châu